Tuy vậy, việc phát triển còn nhiều hạn chế như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra được các chùm và chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Để nông nghiệp tỉnh Nghệ An phát triển hiệu quả, bền vững và cạnh tranh cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Tình hình phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An
Trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế…), nhưng sản xuất nông nghiệp của Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng đạt và duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2017, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của Nghệ An tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, nông, lâm nghiệp, thủy sản của Tỉnh tăng 4,84% so với cùng kỳ năm 2017.
Sản xuất nông nghiệp chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp, gắn với chế biến và ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: Vùng nguyên liệu chè khoảng 8.000 ha ở các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông; vùng cao su ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn… với diện tích trên 9.900 ha; vùng mía nguyên liệu 26.000 ha ở các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, thị xã Thái Hòa…; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gần 2.000 ha ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh…
Đồng thời, Tỉnh đã hình thành và phát triển được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Vùng trồng rau, hoa ở Nghĩa Đàn, chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH Truemilk,… Một số cánh đồng mẫu lớn đã được xây dựng trong sản xuất lúa, ngô, lạc, chè, mía… đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất, chất lượng tốt; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã thành công, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng cao như: Trồng chè Tuyết Shan ở Kỳ Sơn, chanh leo ở Quế Phong, Cam ở Quỳ Hợp…
Phong trào nuôi thủy sản nước ngọt phát triển rộng khắp, nhất là nuôi cá tôm xen lúa, 2 vụ lúa 1 vụ cá, nuôi các loại cá đặc sản như cá chình, cá rô đầu vuông, cá lóc đen… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chế biến thủy sản phục vụ nội địa và xuất khẩu tiếp tục phát triển khá, hàng năm cung ứng cho thị trường gần 20 triệu lít nước mắm các loại, trên 15.000 tấn bột cá, 3.000 tấn mắm các loại; chế biến xuất khẩu đạt 26.000 tấn. Kinh tế hợp tác (HTX và Tổ hợp tác) trên địa bàn có bước phát triển. Tính đến ngày 30/06/2018, toàn tỉnh Nghệ An có 466 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 450/2850 tổ hợp tác thực tế có hoạt động; thu hút hơn 68% số hộ dân nông thôn tham gia vào các HTX, tổ hợp tác, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Toàn Tỉnh có 230 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Tỉnh Nghệ An cũng chú trọng xuất khẩu nông lâm sản: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có bước tăng trưởng đáng kể, năm 2017 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt 636 triệu USD. Thị trường xuất khẩu hàng hoá tiếp tục được duy trì và mở rộng: Năm 2017, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hoá sang thị trường trên 70 nước và khu vực. Trong đó với mặt hàng nông lâm sản, các thị trường truyền thống vẫn khá ổn định.
Mặc dù nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, nhưng về cơ bản nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, nông nghiệp tuy tăng trưởng khá, nhưng thiếu bền vững, chưa khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thể của Tỉnh; cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, trồng trọt vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chung (chiếm tỷ trọng 52%). Kết cấu kinh tế nông thôn vẫn chủ yếu là thuần nông (sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80%).
Các hoạt động phi nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, chưa đủ sức thu hút tạo việc làm để thúc đẩy chuyển dịch lao động thực hiện phân công lại lao động nông thôn. Bên cạnh đó, chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn sản xuất với chế biến và ứng dụng công nghệ cao tạo ra được các chuỗi sản phẩm và giá trị lớn …
Quy mô hàng hoá nông sản xuất khẩu còn nhỏ bé; kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Nghệ An chưa có mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chưa tạo ra được chùm hoặc các chuỗi nông sản có gia trị gia tăng cao.
Thứ hai, quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả chưa cao. Kinh tế hợp tác phát triển rất chậm, chưa đóng vai trò mong đợi trong hỗ trợ hoạt động sản xuất của nông hộ và vai trò liên kết trong tổ chức sản xuất của hộ với các chuỗi sản phẩm và giá trị nông sản, sản xuất với các doanh nghiệp và chế biến…Quy mô của các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác còn nhỏ; trình độ, năng lực quản lý của nhiều cán bộ HTX còn yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, tổ hợp tác thấp; chưa bảo đảm các nguyên tắc của Luật HTX.
Kinh tế trang trại tuy tăng nhanh về số lượng nhưng quy mô còn nhỏ và chiếm một tỷ lệ thấp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn. Các hình thức liên kết trong sản xuất tính hiệu quả chưa cao và còn nhiều hạn chế. Mối liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học đặc biệt là giữa doanh nghiệp với nông dân, nông nghiệp, nông thôn chưa chặt chẽ, thiếu ổn định và kém hiệu quả.
Thứ ba, nông thôn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống của một bộ phận nông dân chậm được cải thiện. Mặc dù tỷ lệ người nghèo giảm nhanh và đáng kể trong thời gian qua nhưng nhìn chung vẫn còn tỷ lệ cao (năm 2017 còn 15,5 %) và thiếu bền vững, dễ tái nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Một số giải pháp để nông nghiệp Nghệ An phát triển bền vững
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Ứng dụng quy trình cơ giới hoá đồng bộ (từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến); quy trình thâm canh lúa, ngô, lạc từ giống, đầu tư thâm canh; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, mở rộng diện tích cao su, chè gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến; mía nguyên liệu; sản xuất chế biến an toàn theo chuỗi giá trị, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); triển khai các mô hình tưới tiết kiệm, tưới cho cây công nghiệp nếu có điều kiện.
Phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp, từng bước mở rộng chăn nuôi bò hộ gia đình theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp thu mua chế biến sữa. Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…
Tập trung hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC), phát triển dược liệu gắn với bảo vệ rừng bền vững.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông lâm thủy sản.
Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế của Tỉnh như: cao su, chè, mía, lạc, lúa gạo; các sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa; thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu.
Ba là, tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến theo chuỗi sản sản phẩm và chuỗi giá trị, trên cơ sở phát triển liên kết, liên doanh với vai trò doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt theo hướng hình thành và phát triển các chuỗi giá trị gia tăng cao và bền vững.
Liên kết gắn các hộ sản xuất trong vùng với các doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm nông – công nghiệp với các mô hình liên kết đầu tư sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ thực hiện phương châm cùng chia sẻ trách nhiệm, rủi ro và lợi ích; các hình thức sản xuất theo hợp đồng đối với các hộ nông dân với các doanh nghiệp.
Bốn là, đổi mới phát triển kinh tế hợp tác và HTX. Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tăng cường sự liên kết, tham gia của các tổ chức xã hội (Hội nông dân, hiệp hội ngành hàng…). Thực hiện chuyển đổi HTX theo luật mới, phát triển loại hình HTX làm dịch vụ sản xuất; làm tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, dịch vụ về thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, thú y… hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để cung ứng vật tư và thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Năm là, khuyến khích các thành phần kinh tế khác trong nông nghiệp phát triển. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng nội bộ cho các thành viên.
Khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đây là lực lượng quan trọng có khả năng tạo nhiều việc làm, thu hút lao động, tăng năng lực chế biến, tiêu thụ nông sản, dịch vụ kỹ thuật… cho phát triển kinh tế – xã hội.
Sáu là, quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông trong các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, vận chuyển nguyên liệu về các nhà máy chế biến. Phát triển hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động cho vùng màu; Khuyến khích tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung nếu có điều kiện. Tiếp tục xây dựng hệ thống vườn ươm sản xuất cây giống, con giống, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng các loài cây, con.
Bảy là, nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý điều hành, gắn với đào tạo cán bộ chuyên môn như: khuyến nông, bảo vệ thực vật… để có thể tiếp cận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho người nông dân theo từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực sản xuất thông qua chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn; trang bị cho người dân kiến thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và đào tạo kỹ thuật.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách đào tạo dạy nghề cho con em nông dân, đào tạo cán bộ chuyên sâu cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp – nông thôn nông dân.
Tám là, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản của Nghệ An, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ, đặc biệt chú trọng ở các thị trường có thị phần lớn hiện nay là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…. có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Nghệ An thực hiện xúc tiến thương mại. Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ nguyên liệu có hiệu quả.
Theo: tapchitaichinh.vn
PGS., TS. Nguyễn Ngọc Hùng – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh