Site icon BiOWiSH Việt Nam

Những tài nguyên quan trọng trong trồng trọt định hướng hữu cơ (Phần 02)

Những tài nguyên quan trọng trong trồng trọt định hướng Hữu Cơ

Để giảm thiểu chi phí sản xuất nông nghiệp trong ngành trồng trọt, việc khai thác tại chỗ các nguồn tài nguyên từ thiên nhiên tái sinh là một hướng phát triển bền vững.

Trong phần 1 của bài viết, các tài nguyên như rơm, xác thực vật; các cây họ bèo; cây sả; ốc bươu và cây chuối đã được thử nghiệm thành công với vai trò là những nguồn tài nguyên hữu ích, vô hạn. Trong phần 2 của bài viết, chúng tôi tiếp tục chia sẻ những thông tin đã kiểm chứng qua thực tế sản xuất mẫu tại các địa phương.

6. VI SINH VẬT

Vi sính vật đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân giải các chất hữu cơ trong môi trường trồng trọt, gián tiếp hỗ trợ cây trồng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ nguồn hữu cơ, thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Phổ biến nhất hiện nay là vi sinh vật thuộc nhóm EM (Effective Micronism) do Teuro Higa (Nhật Bản) phát hiện và công bố, bao gồm các lợi khuẩn an toàn với con người. Dòng vi sinh vật thứ hai là IMO – vi sinh bản địa, hoàn toàn có thể tự sản xuất trong môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, rất nhiều lợi khuẩn khác đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam với nguồn từ sữa chua, dưa muối, men rượu… đều hữu ích đối với ngành trồng trọt.

Việc nhân bản lợi khuẩn rất dễ dàng và chi phí thấp, thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất và tạo ra nguồn phân bón vô hạn cho cây trồng. Đồng thời, do đặc tính cạnh sinh (cạnh tranh sinh tồn với hại khuẩn), lợi khuẩn còn có tác dụng hạn chế, tiêu diệt các loại bệnh cây trồng có nguồn gốc từ hại khuẩn.

Để chủ động sản xuất được các loại lợi khuẩn phục vụ nông nghiệp, người nông dân có thể tham gia các khóa đào tạo về nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, các vi sinh vật này sẽ không tồn tại được trong môi trường hóa chất, thuốc diệt cỏ.

7. NẤM

Các loại nấm có lợi trong tự nhiên cũng rất nhiều. Tương tự như vi sinh vật, nấm có khả năng sinh sản nhanh, quy mô lớn trong môi trường thuận lợi về nhiệt độ, ẩm độ. Tác dụng của nấm là phân hủy các chất hữu cơ và cũng diệt các mầm bệnh cho cây trồng theo nguyên lý cạnh tranh sinh tồn với nấm hại.

Có hai loại nấm đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, đó là nấm đối kháng Trichodemar, vừa phân hủy chất hữu cơ, vừa diệt mầm bệnh trong cây trồng. Và nấm ký sinh côn trùng, điển hình là nấm Xanh (thuộc chi metarhizium), có thể xem là một loại thuốc trừ sâu đặc trị với nguyên lý nhiễm bệnh cho các loại côn trùng có lớp vỏ kitin.
Việc nhân bản nấm khá dễ dàng, và khi nắm vững được kỹ thuật, người nông dân có thể nhân ra vô hạn. Sau đó, nấm ở dạng bào tử được hòa nước và phun lên cây trồng để trừ sâu (với nấm Xanh) hoặc phun tưới, đảo trộn với xác thực vật, chất thải nông nghiệp…làm phân bón.

8. CÁM GẠO

Vốn là một nguồn phụ phẩm giá rẻ trong nông nghiệp Việt Nam, đất nước có diện tích trồng lúa trong nhóm đứng đầu thế giới. Cám gạo được sử dung như môi trường hỗ trợ cho việc nhân bản vi sinh vật và các loài nấm có lợi, do chứa nhiều hoạt chất tạo nguồn dinh dưỡng cho lợi khuẩn, nấm hữu ích phát triển.

Việc kết hợp cám gạo với rỉ mật hoặc các chất dẫn xuất có đường là một cách đơn giản nhất để nhân bản lợi khuẩn. Với chi phí thấp, hiệu suất sử dụng cao, cám gạo là một tài nguyên vô cùng quan trọng trong kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ.

9. CÂY CHÙM NGÂY VÀ NGUỒN PHÂN BÓN ĐA VI LƯỢNG

Hầu hết người Việt Nam chỉ biết công dụng của cây chùm ngây ở góc độ dinh dưỡng do có rất nhiều vitamin, khoáng chất trong lá, thân, rễ. Tuy nhiên, cây chùm ngây còn là nguồn phân bón lá cao cấp, chi phí thấp, đã được ứng dụng rất rộng rãi ở các nước châu Phi.

Với viêc ngâm hoặc chiết, ép lá, thân cây chùm ngây, mỗi kg lá cây tươi sẽ thu được khoảng 35 lit phân bón cao cấp khi hòa với nước, phun hấp thụ qua lá. Kết quả thu được từ các báo cáo khoa học của nhóm tác giả cho thấy, sản lượng của cây trồng ứng dụng phương pháp này có thể tăng hơn 20 đến 35%.
Việc trồng cây chùm ngây xung quanh khu vực trồng trọt rất đơn giản, thu hoạch được lâu dài, không mất công chăm sóc, tuy nhiên, cần nắm được kỹ thuật khống chế tán để năng suất thu lá chùm ngây được cao hơn.

9. GIUN QUẾ

Hiệu quả của phân bón từ mùn giun và dịch chiết từ giun đã được ghi nhận rộng rãi. Tuy nhiên việc nuôi giun để thu giun sinh khối, mùn giun không phải thuận lợi trong mọi điều kiện, đặc biệt là những nơi không sẵn nguồn thức ăn dồi dào.

Tuy nhiên việc nuôi giun ở quy mô nhỏ để giun sinh sản và cấy ra đất lại chưa được biết đến. Trong đất có nhiều giun sinh trường, đất sẽ thoáng khí, tạo điều kiện cho hệ rễ phát triển và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, đồng thời giảm chi phí cày xới, làm đất. Do đó, chỉ với vài m2 nuôi giun bằng bèo tây, phân bò… là có thể liên tục cung cấp trứng giun, giun giống cho một diện tích đất rất lớn và thường xuyên.

10. TƯ DUY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ CHI PHÍ THẤP

Được nhóm tác giả lựa chọn là tài nguyên cuối cùng cho các giải pháp.
Đó là sự nhận thức của người sản xuất khi tìm cách để giảm thiểu mọi chi phí như phân bón, trừ sâu, công làm đất, công chăm sóc cây trồng…

Việc thay đổi những thói quen canh tác cố hữu không dễ, đồng thời niềm tin vào các phương pháp mới chưa đủ sẽ là những trở ngại lớn về tư duy và hành động. Tuy nhiên, chỉ cần so sánh về mặt chi phí giữa hai phương pháp trong từng công đoạn, tư duy sản xuất nông nghiệp hữu cơ chi phí thấp sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng nhất, bền vững nhất. Đó chính là nguồn tài nguyên về con người.

 

Nguồn: Ths. Hoàng Sơn Công – Ks. Nguyễn Sáng
Tạp chí Nông Nghiệp Hữu Cơ – T12.2018

Ps. Bài viết đã lâu nên có một số công nghệ mới chưa được cập nhật, nhưng có ý nghĩa tham khảo cho các bạn tìm hiểu cơ bản.

Exit mobile version