Site icon BiOWiSH Việt Nam

Thủy sản khai thác sẵn sàng xuất chính ngạch Trung Quốc

Sản lượng thủy hải sản khai thác của Nam Định mỗi năm khoảng 20.000 – 25.000 tấn. (Ảnh: Kế Toại)

Các doanh nghiệp được lựa chọn tiên phong xuất khẩu khẳng định, đã sẵn sàng mọi điều kiện, chỉ chờ ngày đóng hàng lên đường.


Hoàn tất thủ tục

Tại Nam Định, các mặt hàng trên đã được Sở NN-PTNT chọn mặt gửi vàng 2 doanh nghiệp có thế mạnh khai thác, xuất khẩu là Cty TNHH khai thác hải sản Thành Vui và Cty TNHH Thịnh Long (cùng huyện Hải Hậu). Ông Đỗ Văn Thành, Giám đốc Cty Thành Vui cho biết, nhờ có sự hướng dẫn từ Sở NN-PTNT, tới nay, các công đoạn chuẩn bị cho xuất khẩu cá thu tươi sang Trung Quốc theo đường chính ngạch đã gần như hoàn tất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19, mọi thứ vẫn là sự chờ đợi.

Là người trong nghề đánh bắt thủy hải sản đã vài chục năm, ông Thành cho biết, rất vui mừng khi đón nhận thông tin được xuất khẩu chính ngạch. Ba năm trở lại đây, doanh nghiệp của ông Thành đẩy mạnh liên kết khai thác, nâng cao sản lượng đánh bắt. Hiện tại, Cty Thành Vui đang liên kết với 80 tàu cá trong tỉnh Nam Định và 50 tàu của các tỉnh bạn. Trước khi có dịch Covid-19, mỗi ngày, doanh nghiệp này có khi xuất tới 20 tấn các thủy hải sản các loại sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Để duy trì liên kết, ông Thành đứng ra cung cấp toàn bộ dầu máy, đá, nhu yếu phẩu để đội tàu 130 chiếc vươn khơi bám biển. Sau mỗi chuyến đi biển, những tàu này sẽ cập cảng của Cty Thành Vui tại thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) để đổ hàng. Theo ông Thành, để người khai thác yên tâm, trước nay doanh nghiệp luôn thu mua toàn bộ sản phẩm đánh bắt với giá nhỉnh hơn thị trường.

Cá thu tươi là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được tỉnh Nam Định lựa chọn. Ảnh: Kế Toại.

Mặt hàng thủy hải sản tại đây chủ yếu là cá thu đao và mực. Trong đó, cá thu tươi được xác định tới đây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc. Cũng theo ông Thành, đơn vị đã làm việc trực tiếp với đầu mối phía Trung Quốc là một Cty chuyên thu mua, nhập khẩu thủy hải sản tươi sống. Đối tác Trung Quốc cam kết sẽ nhập khoảng 137 tên hàng các loại. Chia sẻ về những tiêu chuẩn của nước bạn, ông Thành cho biết, khá khắt khe nhưng doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ được. Sản phẩm trước hết phải đạt tiêu chuẩn của nông nghiệp sạch. Đó là không được tồn dư hay có hóa chất bảo quản. Từng lô hàng, cá phải đạt chuẩn kích thước, trọng lượng đúng theo hợp đồng. Bao bì đóng gói phải có tem, mác và mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về sản lượng, hai bên dự kiến cam kết sẽ phối hợp tiêu thụ khoảng 400 – 500 tấn/tháng. Không chỉ hợp đồng từng lô hàng, doanh nghiệp của ông Thành phải ký thêm hợp đồng, cam kết đảm bảo sản lượng, chất lượng hàng hóa. Nếu như vi phạm sẽ phải chịu phạt, thậm chí ngừng xuất khẩu.

Về phương án vận chuyển hàng lên các cặp cửa khẩu biên giới Việt Trung, ông Thành cũng khẳng định: đã sẵn sàng. Cty đã làm việc với một doanh nghiệp chuyên vận tải để thuê xe vận chuyển. Khi qua cửa khẩu, đối tác sẽ kiểm tra và nhận hàng nếu đạt tiêu chuẩn.

Theo ông Thành, không phải tới bây giờ, doanh nghiệp mới áp dụng tiêu chuẩn sạch cho sản phẩm thủy hải sản đánh bắt.Thời gian qua, với 130 tàu cá liên kết, doanh nghiệp bắt buộc 100% các chủ tàu ký hợp đồng, cam kết sản phẩm đánh bắt phải đảm bảo tiêu chuẩn sạch. Thủy hải sản sau khi đánh bắt, chỉ được dùng đá để bảo quản và vận chuyển về cảng, tuyệt đối không dùng hóa chất.

Với cơ quan chuyên môn là Chi cục Thủy sản Nam Định, sẽ tiến hành lấy mẫu ngay tại cảng cá và phân tích chất lượng định kỳ 3 tháng/lần. Nói về niềm vui xuất khẩu chính ngạch, ông Thành chốt lại hai thứ, đó là an toàn và lợi nhuận cao hơn. “Trước đây, hàng đi tiểu ngạch vô vàn rủi ro, cộng với những chi phí không tên, có những chuyến hàng đi bị lỗ. Những nếu được xuất chính ngạch, mọi thủ tục thông thoáng, đơn giản, giá trị mỗi lô hàng sẽ tăng thêm khoảng 20 – 30%”.

Dự kiến, những lô hàng đầu tiên, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu toàn bộ mặt hàng thủy hải sản tươi sống. Sau đó, tùy theo đối tác, có thể xuất thêm các mặt hàng đông lạnh.

Đợi chờ vượt khó khăn

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, sản lượng thủy hải sản khác thác mỗi năm của địa phương đạt 20 – 30 nghìn tấn. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tới nay, việc xuất khẩu bị ngưng trệ, nhiều tàu cá đã phải tạm dừng hoạt động.

Nhiều tàu cá tạm dừng khai thác do lợi nhuận sụt giảm. Ảnh: Kế Toại.

Đại diện Cty Thành Vui cho biết, tại cảng cá, hàng chục tàu đã neo đậu nhiều ngày qua không ra khơi do càng đi càng lỗ. Đặc biệt, một số tàu của tỉnh Quảng Ngãi, chủ tàu đã trở về địa phương, chỉ còn thợ ở lại. Ông Nguyễn Minh Hiển, thị trấn Thịnh Long cho biết, 2 chiếc tàu vỏ sắt của gia đình vẫn vươn khơi bám biển, cố gắng cầm cự trong thời điểm khó khăn này. Năm 2016, ông Hiển đóng mới 2 tàu theo Nghị định 67 với tổng đầu tư 30 tỷ đồng. Thời gian thanh toán tiền vay đóng tàu là 16 năm, mỗi năm lãi suất 1%. Thời điểm 2016, ngư trường khai thác, đầu ra thuận lợi, mỗi năm gia đình thu được khoảng 6 tỷ đồng/2 tàu 67. Nhưng từ năm 2017 tới nay, khó khăn về ngư trường khai thác khiến việc đánh bắt gặp bất lợi.

Lượng cá thu còn tồn kho của Cty Thành Vui khoảng vài trăm tấn. Ảnh: Kế Toại.

“So với năm 2016, lợi nhuận đánh bắt năm 2017 chỉ còn 60%. Và từ năm 2018 tới nay, giá trị đánh bắt liên tục giảm, chỉ bằng 30 – 40% so với năm 2016. Nguyên nhân chính là ngư trường bị thu hẹp, trong khi giá trị sản phẩm bị giảm. Nếu như năm 2016, chúng tôi có thể vươn xa 70 hải lý để đánh bắt, nhưng nay xa nhất là 30 hải lý. Đi gần, hải sản không còn dồi dào, không phát huy hết công năng của tàu vỏ sắt”, ông Hiển chia sẻ.

Mỗi chuyến đi biển khoảng 10 ngày, ông Hiển tính toán, nếu thu được 1,5 tấn cá thì hòa vốn, thấp hơn sẽ chịu lỗ. Trên thực tế, nhiều tháng nay, mỗi chuyến đi biển, một tàu cá của ông Hiển chỉ đánh bắt được 6 – 7 tạ thủy hải sản. Như vậy, một tháng, gia đình ông Hiển đang phải bù lỗ khoảng 150 triệu đồng/tháng để hai tàu cá có thể vươn khơi. Vị này khẳng định, nếu tình trạng này kéo dài, chỉ đến tháng 7, gia đình buộc phải dừng hoạt động khai thác vì không thể kham nổi. “Gia đình tôi đã phải bán đi một mảnh đất, ngôi nhà và mảnh đất đang ở cũng đang dùng thế chấp vay nợ ngân hàng để hoạt động. Mỗi năm, không biết đánh bắt hiệu quả hay không, lời lãi thế nào, gia đình cũng phải trả khoảng 1 tỷ đồng cho ngân hàng. Không biết tới đây sẽ thế nào”, ông Hiển thở dài.

Ngư dân Quảng Ngãi sửa chữa ngư cụ trong thời gian tạm nghỉ khai thác. Ảnh: Kế Toại.

Trong khi đó, ông Thành cho biết, dù giá xăng dầu, nguyên liệu thời gian qua có giảm, nhưng cũng không bù lại được do hải sản rớt giá không tưởng. Do phải liên tục thu mua nhưng không thể xuất khẩu, lượng thủy hải sản tồn kho của doanh nghiệp này đã lên tới vài trăm tấn. Để giải quyết khó khăn, trong khi chờ đợi xuất khẩu, doanh nghiệp này tiếp tục tìm kiếm các đối tác nội địa. “Hiện nay, chúng tôi đang cung cấp nguyên liệu cho một doanh nghiệp liên doanh với Nhật Bản, trụ sở tại Đà Nẵng để họ chế biến chả cá. Mỗi tháng, doanh nghiệp này nhập cho chúng tôi khoảng 100 tấn hải sản. Tuy vậy, lượng hàng tồn trong kho vẫn còn rất nhiều”, ông Thành cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở NN-PTNT Nam Định đã liên kết thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy hải sản tươi sống tại thành phố Nam Định. Mục đích để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thủy hải sản tìm đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Exit mobile version