Site icon BiOWiSH Việt Nam

Tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để hướng tới nông nghiệp xanh

Moitruong.net.vn – Hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa dư thừa và khủng hoảng.


Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được dùng quá nhiều, dẫn đến bạc màu đất, gây nguy hiểm cho môi trường, con người và cả nền kinh tế. Mỗi năm, Việt Nam nhập tới hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Danh mục thuốc được sử dụng hơn 1.600 hợp chất với hơn 4.000 thương phẩm. Đây là số lượng quá nhiều với quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Điểm đáng lưu tâm hơn là trong hơn 4.000 loại được phép sử dụng, chỉ có 15-20% là thuốc sinh học, thân thiện với môi trường, còn lại vẫn là gốc hóa học có thời gian tồn lưu lâu dài trong đất và cây trồng. Dùng thuốc bảo vệ thực vật đã trở thành thói quen khó bỏ của người nông dân. Dùng càng nhiều thuốc thì càng lệ thuộc, gây mất cân bằng hệ sinh thái, nhiều loài thiên địch của sâu bọ đã biến mất, làm dịch bệnh ngày càng bùng nổ.

Trước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác quản lý vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục BVTV đang đứng trước rất nhiều thách thức. Cụ thể, phải có một Danh mục thuốc BVTV thực sự hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, trước mắt là phải quản lý chặt đầu vào khảo nghiệm và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường. Tuy nhiên cơ sở dữ liệu và các căn cứ khoa học liên quan đến vấn đề này còn thiếu rất nhiều. Vì vậy, việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay còn đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển.

Bên cạnh đó, số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy) cũng như sản phẩm phân bón (gần 20 nghìn sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Đặc biệt, hiện tồn tại hơn 200 chỉ tiêu chất lượng bao gồm cả vi sinh và hóa lý được công bố áp dụng cho các sản phẩm phân bón nhưng lại không có phương pháp thử được phê duyệt trong nước đang tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang rất đáng báo động, dẫn đến các nguy cơ về mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của SVGH.

Để xử lý tốt hơn vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: cần phải giảm lượng thuốc BVTV. Hiện, chúng ta đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn/năm. Trong đó, việc đầu tiên cần phải tập trung vào nhóm thuốc trừ cỏ; nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao mà được sản xuất từ những năm trước và đến bây giờ không còn phù hợp với sinh thái; nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng.

Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Song song với đó, phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV. Phải minh bạch và phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương. Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con vào sản xuất chuỗi. Có như vậy, bà con nông dân sẽ tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Tránh tình trạng cứ có sâu là dùng thuốc. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối và người nông dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích các DN khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc BVTV sinh học để thay thế dần nhóm thuốc hóa học….

Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là ba triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.

(Nguồn: Minh Anh – moitruong.net.vn)

Exit mobile version