Site icon BiOWiSH Việt Nam

Để có nguồn sản xuất giống khỏe, sạch bệnh. Cần lắm bàn tay Nhà nước!

Sản xuất giống sạch bệnh, cần lắm bàn tay Nhà nước

Sản xuất giống sạch bệnh, cần lắm bàn tay Nhà nước

“Vô nghĩa. Vô nghĩa. Vô nghĩa”. là câu mà PGS.TS Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh việc một nhà vườn làm tốt việc của mình là phòng trừ sâu bệnh nhưng các vườn bên cạnh vẫn còn bệnh.

Chữa bệnh không bằng phòng bệnh

Vừa bay từ trong Nam ra, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đã cùng với đoàn chúng tôi thẳng tiến lên huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình. Gần trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng nhà khoa học cao tuổi vẫn không nề hà lăn lê, bò toài dưới các gốc cam trong vườn nhà anh Phạm Đức Ninh ở thị trấn Cao Phong để đào rễ, vuốt rễ, ngửi rễ cũng như cạo các vết xì mủ, ngắt lá vàng để xem. Cuộc trao đổi của chúng tôi diễn ra giữa bối cảnh ấy.

Điều gì là mấu chốt nhất trong vấn đề cây có múi cả nước đang đối diện với dịch bệnh nói chung và vàng lá nói riêng thưa ông?

Theo tôi, trước tình hình của bệnh vàng lá hiện nay điều mấu chốt nhất chính là phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách sử dụng giống sạch bệnh. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ giá cây giống và chỉ có cây xác nhận sạch bệnh mới được trồng còn cây bệnh thì phải hủy để hạn chế lây lan. Có làm như vậy mới giảm được nguồn lây nhiễm trong sản xuất, dần dần tiến đến không còn nguồn bệnh nhiều như hiện nay.

Nhà nước cần ủng hộ các viện nghiên cứu sản xuất giống sạch bệnh, chuyển giao cho các tỉnh, thành cùng nhân lên chứ bản thân các viện cũng không thể làm được số lượng lớn đủ đáp ứng cho sản xuất. Về phía địa phương, phòng nông nghiệp huyện giúp chọn vùng sản xuất phù hợp, không còn cây bệnh xung quanh, rồi đưa cây sạch bệnh về trồng. Trong quá trình trồng cần hỗ trợ nông dân trừ rầy chổng cánh là đối tượng trung gian truyền bệnh vàng lá Greening đúng cách, đúng lúc, chứ không phun thuốc bừa bãi vừa tốn tiền lại không hiệu quả. Khi có cây tái nhiễm trong khu vực phải loại bỏ ngay. Để người nông dân muốn mua giống ở đâu thì mua, trồng ở đâu thì trồng sẽ tái nhiễm bệnh liền.

Kinh nghiệm của Đài Loan là chính quyền sản xuất cung cấp cây sạch bệnh cho nông dân, có thể là cho không hay hỗ trợ, khi trồng thì cán bộ kỹ thuật phải sát cánh mà hướng dẫn. Trung Quốc cũng làm vậy, hỗ trợ để đưa cây giống sạch bệnh cho nông dân, các hợp tác xã sẽ hỗ trợ nhau để phòng trừ con rầy chổng cánh sao cho đúng cách. Có cây sạch bệnh mà không phòng trừ rầy chổng cánh đúng cách, không loại bỏ hết cây bị bệnh ở xung quanh thì cũng vô nghĩa bởi các côn trùng chích hút sẽ nhanh chóng lây sang.

Ngắt lá để kiểm tra bệnh vàng lá.

Tầm quan trọng của yếu tố xã hội

Phải chăng đó chính là yếu tố xã hội của việc phòng trừ bệnh vàng lá này?

Đúng, nghĩa là người dân trong vùng phải hiểu để cùng làm, cùng hỗ trợ nhau thì mới thành công. Với những cây bị bệnh Greening anh có sẵn lòng chặt không hay phải Nhà nước đền bù, hỗ trợ mới chặt còn không thì để chơi? Một người làm tốt không đủ mà phải cả vùng cùng làm tốt. Muốn tất cả cùng làm thì phải có tổ chức, có bàn tay của Nhà nước chứ mình nông dân là không chịu nổi.

Theo tôi để chương trình giống sạch bệnh thành công ít nhất Nhà nước phải hỗ trợ cho nông dân từ 50% giá trở lên bởi làm cây sạch bệnh theo một công nghệ khác khiến giá thành đội lên rất cao, người nông dân không thể mua được nên sẽ sử dụng giống trôi nổi giá rẻ ngay.

Về vĩ mô là thế còn về vi mô đang có những sai lầm gì khiến cho bệnh vàng lá lan tràn thưa ông?

Cái sai thứ nhất là nông dân trồng quá dày vì muốn năng suất cao. Mà trồng dày thì phải bón phân nhiều, phun thuốc nhiều nhưng họ lại không bón phân hữu cơ khiến cho đất bị chai, độ pH thấp xuống. Khi độ pH thấp xuống thì là điều kiện môi trường phù hợp cho những loại nấm bệnh phát triển. Do đó cần phải bón vôi, bón phân hữu cơ để đất càng ngày càng tốt lên hoặc ít nhất cũng giữ được như cũ.

Việc bón phân hữu cơ không phải thích mới làm mà là điều bắt buộc với trồng cây có múi tuy nhiên do nông dân không thấy hiệu quả ngay tức thì nên ít áp dụng. Như ở thị trấn Cao Phong (Hòa Bình), độ pH trong đất theo người dân nói, đo được chỉ 4-4,5 là quá thấp, phải từ 5,5-6,5 trở lên mới phù hợp cho cây trồng phát triển. Khi pH quá thấp, các dinh dưỡng bên trong đất không giải phóng cho cây sử dụng được, có bón cũng bằng không. Để pH tăng lên, chỉ có mỗi cách là dùng phân hữu cơ. Phân hữu cơ không chỉ giúp độ pH tăng lên mà còn giúp cho đất tơi xốp, có nhiều giun đào xới, rễ cây mới thở được.

Thêm vào đó, nông dân còn để cỏ phủ sát gốc cây mà đáng ra phải phát cỏ cách xa gốc ít nhất 30cm để nắng, gió tác động vào, thân luôn khô ráo sẽ đỡ bị nấm bệnh tấn công.

Vừa rồi đi thăm các vườn cam tại thị trấn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình ông có nhận định gì về bệnh vàng lá ở đây?

Tôi thấy có mấy bệnh mà triệu chứng rất điển hình là bệnh vàng lá thối rễ, chúng chiếm tỷ lệ nhiều nhất với biểu hiện lá vàng, rễ thối. Sau đó đến bệnh vàng lá Greening với biểu hiện lá vàng, nổi gân, quả cam bổ ra thấy vẹo lệch một bên. Thêm vào đó là bệnh xì mủ ở thân, có những cây bị nặng vết xì mủ đã lan rộng và rất sâu. Có những cây bị cả ba bệnh trên cùng một lúc.

Ngoài ra còn có triệu chứng thiếu kẽm cũng gây biểu hiện vàng lá khiến bà con dễ nhầm lẫn với bệnh Greening. Cây bị Greening sinh ra vàng lá thiếu kẽm nhưng cây vàng lá thiếu kẽm không có nghĩa là bị Greening. Bởi thế khi thấy vàng lá thiếu kẽm thì phải xem có lá nào có biểu hiện Greening không, nếu không thì chữa được bằng điều chỉnh bón phân để cho cây hồi phục.

Quả cam có kết cấu vẹo là điển hình của bệnh Greening

Lời khuyên cụ thể cho từng loại bệnh vàng lá

Khi đã phân định ra được từng loại bệnh vàng lá như thế thì lời khuyên cụ thể của ông ra sao?

Vàng lá Greening không có thuốc gì trị được, với cây nào bị nặng thì phải chặt bỏ, nếu chỉ bị một cành thì có thể cưa bỏ cành đó cũng giữ cây được một thời gian. Vàng lá thối rễ, với cây nào mới bị một hai cành thì có thể bón trichoderma nhưng phải kèm theo phân hữu cơ bởi nếu không sẽ không nhân lên được mật độ nấm đối kháng có lợi, còn nếu bị nhiều cành, đào lên thấy rễ thối rồi cũng không chữa được, rất tốn kém, không hiệu quả. Bệnh vàng lá thối rễ nếu khu vực bị nặng, đất đã nhiễm nấm Fusarium thì mầm bệnh sẽ tồn tại rất lâu dài, bà con không nên trồng lại cam, quýt, bưởi. Nên thay đổi các cây trồng không bị Fusarium tấn công như bơ nhiệt đới giống 034, na, mít Thái…, những cây này rất phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Phòng nông nghiệp và các HTX cần sát cánh với nông dân trong việc trồng lại này.

Cuối cùng là bệnh vàng lá xì mủ thân do nhiễm nấm Phytophthora, mới bị thì có thể trị được, nếu vàng hết cả cây, vết loét rộng, ăn sâu vào thân thì không thể làm gì được, cũng nên chặt bỏ.

Ông Phạm Minh Thái – Chủ tịch Hội Trồng cam thị trấn Cao Phong: “Bệnh vàng lá mới phát sinh khoảng 2 năm nay khiến vườn của các hội viên nhiễm ước khoảng 50-60%, sản lượng tụt nhanh, mất cây nhanh. Trước tình hình đó, dân thường chữa theo kinh nghiệm truyền mồm, nhà ai chữa đỡ thì bảo cho nhà bên. Khó khăn nhất là bà con không phân biệt rõ đâu là bệnh Greening. Bệnh này chưa có thuốc chữa nhưng do không biết nên họ vẫn chữa thành ra không có hiệu quả, mất tiền mà lá vẫn vàng, quả vẫn bị “beo”. Nguyên nhân chính theo tôi là do vài năm gần đây nhu cầu trồng quá lớn mà lượng giống sạch bệnh và khỏe không đáp ứng đủ nên nhiều nguồn giống trôi nổi đã tràn về địa phương. Thêm vào đó là kỹ thuật canh tác, trước đây bà con bón phân hữu cơ không ủ kỹ nên có nấm bệnh, giờ chúng đã nhân lên rất nhiều ở trong đất. Các nhà khoa học về đây thực tế mới chỉ làm đề tài nghiên cứu, xây dựng một số mô hình thử nghiệm nhưng để chuyển giao công nghệ rộng rãi thì chưa. Bởi thế chúng tôi mong sắp tới sẽ có quy trình xử lý triệt để cho bệnh này”.

PS: Bà con nông dân có thể tham khảo về Phát triển nông nghiệp bền vững cùng BiOWiSH tại đây.

Nguồn: NongNghiep

Exit mobile version