fbpx

Hướng dẫn an toàn sinh học đối với điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ

Nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống và bảo đảm an toàn thực phẩm, Tổng cục Thủy sản vừa ban hành Quyết định số 169/QĐ-TCTS-NTTS ngày 09/3/2020 về hướng dẫn thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn những cách nhận diện mối nguy gây mất an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ và một số yêu cầu an toàn sinh học đối với điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Trong đó, về yêu cầu an toàn sinh học, các cơ sở ương sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần tuân thủ các yêu cầu như: Yêu cầu an toàn sinh học trong lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng; Yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở; An toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống; An toàn sinh học trong nhập kho, sử dụng và bảo quản các loại hóa chất, chế phẩm sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; Yêu cầu về chương trình kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng.

Cụ thể, về địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng: cần lựa chọn làm địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ có diện tích đủ rộng, nền đất vững chắc, địa tầng ổn định, không bị ngập nước khi triều cường, không nằm trong vùng bị xói lở và phù hợp với quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh hoặc có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương. Địa điểm xây dựng cơ sở không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm và cần có nguồn điện lưới 3 pha ổn định, có máy phát điện dự phòng đủ công suất phục vụ cho sản xuất giống tôm nước lợ trong thời gian mất điện. Giao thông thuận tiện và an toàn trong vận chuyển tôm giống.

Đối với nguồn nước cấp cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ: Các chỉ tiêu môi trường của nguồn nước lấy vào cơ sở trước khi xử lý, đưa vào sản xuất đáp ứng yêu cầu sau: Đối với nước ngọt: QCVN 08-MT: 2015/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, ban hành theo Thông tư số 65/2015/TTBTNMT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần có khuôn viên xây dựng đầy đủ khu chức năng, bố trí các khu chức năng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ hợp lý. Đối với khuôn viên Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải được ngăn cách với khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế biến; không bị ảnh hưởng bởi khu nuôi trồng thuỷ sản thương phẩm; ngăn chặn động vật gây hại và tránh được khói bụi từ bên ngoài vào khu vực sản xuất, ương dưỡng giống. Bố trí các khu chức năng trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải theo nguyên tắc một chiều (không ngang qua, không cắt chéo).

Bên cạnh đó, tài liệu cũng hướng dẫn những quy trình nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống như: Nơi nhân sinh khối tảo phải biệt lập với các khu vực khác của cơ sở sản xuất giống và được chia thành 2 khu: Khu giữ giống thuần và khu nhân sinh khối. Vị trí của nơi nhân sinh khối tảo cần có đủ ánh sáng, liền kề với khu vực ương dưỡng ấu trùng tôm. Thùng nhựa, túi ni lon nuôi tảo bằng vật liệu không gây độc, dung tích đủ cho tảo phát triển tốt và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Nơi ấp nở artemia cần tách biệt với các khu chức năng khác của cơ sở, có diện tích đủ rộng. Vị trí nên liền kề với khu vực ương nuôi ấu trùng (zoea, mysis, postlavae). Thùng, xô, vợt dùng trong ấp nở Artemia phải là chuyên dùng và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Không sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ nhập vào cơ sở những hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, thức ăn được phép lưu hành triên trị trường theo quy định của pháp luật và chất lượng đảm bảo. Sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải theo đúng chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng ghi trên nhãn sản phẩm và hướng dẫn của nhà chuyên môn.

Đối với tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên: Có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển đảm bảo tôm không bị nhiễm bệnh và luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ được chọn tạo trong nước: Có nguồn gốc từ cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (đố với giống bố mẹ); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ nhập khẩu: Có nguồn gốc rõ ràng (tại các cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; có hồ sơ nhập khẩu; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh.

Theo: Việt Linh

Nguồn: Người Nuôi Tôm

>> TÌM HIỂU NGAY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *