fbpx

Ngành tôm xuất khẩu: Chủ động lợi thế ngay sau mùa dịch

Ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam được nhận định không chịu tác động từ dịch Covid-19 và ở thời điểm này, các doanh nghiệp cùng người nuôi tôm đều đang chuẩn bị sẵn sàng về con giống, nuôi trồng để đón đầu những cơ hội mà ngành này sẽ có được trong năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – chia sẻ, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành tôm Việt Nam đã hi vọng có 1 năm thuận lợi trong xuất khẩu và tới nay dự báo này vẫn không thay đổi.

Lý do được ông Hòe cho biết do chúng ta đang chuẩn bị tốt cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa mới được thông qua. Thêm đó tôm xuất khẩu cũng có những tín hiệu tốt từ thị trường Hoa Kỳ khi đạt mức thuế thấp, có thể xuất khẩu được và ở thị trường Nhật Bản chúng ta đang nhà cung cấp lớn cho nước này…

Con giống có yếu tố quan trọng hàng đầu trong nuôi tôm

Theo VASEP, dịch Covid-19 xảy ra và nhanh chóng lan ra trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng song với ngành tôm thì ngược lại. Nguyên nhân do quý I-2020 chưa phải là mùa vụ chính của ngành tôm mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi ngành tôm mới bước vào niên vụ chính. Ngoài ra, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc đã khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc nên cũng có thể coi là cơ hội cho tôm Việt tận dụng để tăng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng. Trong khi đó điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.

Để khắc phục điểm yếu này, ông Trương Đình Hòe cho rằng người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua cũng như với các DN chế biến xuất khẩu nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

Chuẩn bị tốt nguyên liệu tôm đầu vào sẽ giúp ngành tôm đón đầu cơ hội sau mùa dịch

Là một trong những chủ nuôi tôm lớn nhất tại Bình Thuận, ông Lê Anh Tuấn cho biết, dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng gia đình ông vẫn nuôi thả tôm theo đặt hàng của DN. Quá trình nuôi thực hiện theo đúng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn của DN. Theo ông Tuấn, trong nuôi tôm con giống có yếu tố quan trọng hàng đầu nên ông đã lựa chọn rất kỹ con giống để tránh dịch bệnh, giảm thiểu nhiều chi phí khác. Từ đó giúp tôm thành phẩm bán ra có giá cạnh tranh, chất lượng tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Bá Sự – Phó Tổng giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Việt Úc cho biết, DN này đã và đang có chính sách hỗ trợ tôm giống cho nông dân cũng như có khuyến cáo người nuôi nên thả tôm bây giờ để đón đầu cơ hội. Ngoài ra, Việt Úc còn khuyến cáo bà con nuôi tôm sạch, tôm truy xuất nguồn gốc để xuất sang Châu Âu do chúng ta đã ký kết với họ để thực hiện hiệp định tự do.

Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, tôm chỉ cần nuôi từ 85-90 ngày là có thể thu hoạch. Và thời điểm này những hộ nuôi tôm tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận… đều được trang bị các kiến thức cần thiết về kỹ thuật nuôi tôm cùng những lợi ích cho việc đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn này.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, các DN cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Theo: Việt Linh

Nguồn: Người Nuôi Tôm

>> TÌM HIỂU NGAY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *