fbpx

Nuôi tôm an toàn sinh học

Ngày 15/11, tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra Hội nghị “Phòng trị bệnh tôm theo mô hình an toàn sinh học” có nhiều nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu tôm ở các trường đại học, trung tâm sinh học và doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương khác tham dự.

Tác động từ môi trường

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, GS.TS Nguyễn Thanh Phương phát biểu, ngành tôm nước ta phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2018 lên 3,55 tỷ USD. Ngành đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào nuôi tôm, đưa năng suất một vụ đạt tới 70 tấn/ha mặt nước, thuộc hàng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh cũng đưa đến những bất ổn về môi trường, phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại về kinh tế và Hội nghị này đã tập trung phân tích, góp phần giải quyết những bất cập đó.

Các nhà khoa học đã trình bày 5 báo cáo chuyên đề là kết quả nghiên cứu nhiều năm. PGS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh ở Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ trình bày “Cập nhật bệnh do ký sinh trùng đường ruột ở tôm và nguyên nhân gây chậm lớn” và “Bệnh phân trắng trên tôm: nguyên nhân và giải pháp khắc phục”. PGS.TS Trương Quốc Phú, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ trình bày báo cáo về “Quản lý độc tố trong ao nuôi tôm”. PGS.TS Lê Quang Luân ở Trung tâm Sinh học TP Hồ Chí Minh giới thiệu “Công nghệ Nano nâng cao hiệu quả tôm siêu thâm canh”. TS Lê Thị Hải Yến ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) trình bày về “Probiotic trong nuôi tôm công nghệ cao”.


Nuôi tôm siêu thâm canh an toàn sinh học tại Bạc Liêu – Ảnh: PTC

Các nghiên cứu cho biết, quá trình phát triển nuôi tôm tăng thải ra môi trường cùng biến đổi thời tiết đã làm chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh nhiều khi không kiểm soát được. Chỉ riêng những độc tố phát sinh ra trong ao tôm (chưa tính hóa chất, thuốc trừ sâu) tác động lên sức khỏe của tôm nuôi, gây thiệt hại lớn vì dịch bệnh, tôm chậm lớn và thậm chí chết hàng loạt.

Khi tôm bị bệnh, việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh thời gian dài làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa tôm. Kết quả, việc sử dụng kháng sinh mang đến nhiều ảnh hưởng bất lợi cho môi trường, ATTP cũng như dẫn đến tạo ra những rào cản thương mại cho sản phẩm tôm trên thị trường quốc tế.

Vai trò của chế phẩm sinh học

Qua thực tiễn và nghiên cứu cho thấy, ứng dụng probiotic (chế phẩm sinh học) trong nuôi tôm đưa đến nhiều kết quả tích cực, đã góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, phát triển bền vững ngành nuôi tôm. Chế phẩm có hai nhóm: xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước ao nuôi là làm tăng tảo có ích và giảm các tác nhân gây bệnh cho tôm. Chế phẩm sinh học hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm bằng cách kích thích miễn dịch đường tiêu hóa của tôm, tiết ra các hợp chất chống lại vi khuẩn gây bệnh và còn cạnh tranh dinh dưỡng, cạnh tranh nơi cư trú với vi khuẩn có hại khiến vi khuẩn có hại không phát triển được.

Chế phẩm sinh học được sử dụng theo nhiều cách, đưa vào cơ thể tôm như bổ sung thức ăn và ngâm, bổ sung vào ao nuôi; bên cạnh, còn được sử dụng thường xuyên trong xử lý ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm. Các nghiên cứu khẳng định, chế phẩm sinh học mang lại lợi ích trong nuôi tôm là điều chắc chắn, không những cải thiện chất lượng nước mà còn cải thiện hệ số thức ăn, giảm mầm bệnh nên tăng tỷ lệ tôm sống, tăng năng suất nuôi trồng. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học chỉ có kết quả tốt và đạt kỳ vọng khi ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường bản địa.

Sáu Nghệ
Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *