Giáp xác chân chèo Copepoda (Pseudodiaptomus annandalei) được xem là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, chủ yếu ăn thực vật phù du và là nguồn thức ăn quan trọng của nhiều loài động vật thủy sinh. Copepoda được chú trọng sử dụng làm thức ăn trong sản xuất giống các loài thủy hải sản do có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều acid amin và các acid béo thiết yếu đối với thuỷ sản và đặc biệt là trong quá trình sinh trưởng và phát triển của thuỷ sinh vật. Hàm lượng protein của Copecoda tương đối cao và đồng thời hàm lượng enzyme tiêu hóa và vitamin cũng cao nên rất thích hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng các loài động vật trong môi trường thủy sản.
Mặt khác, do copepoda di chuyển theo hình zig-zag nên ấu trùng các loài động vật thủy sản dễ dàng phát hiện ra chúng; Bên cạnh đó vòng đời copepoda trải qua nhiều giai đoạn khác nhau từ nauplius, copepodite đến copepoda trưởng thành nên có nhiều kích cỡ khác nhau có thể cung cấp làm thức ăn cho ấu trùng tôm cũng như cá bột ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Mật độ của loài này trong các ao tôm cá và vùng nước lợ có thể lên đến hơn 300 cá thể/lít nước và đây là nguồn thức ăn chính của các loài ấu trùng tôm cá.
Nguồn thức ăn sống quan trọng trong việc nuôi trồng và chăm sóc thủy sản
Loài giáp xác chân chèo được cho là nguồn thức ăn sống quan trọng trong việc nuôi trồng và chăm sóc thủy sản. Tuy nhiên, nguồn thức ăn dinh dưỡng cho ấu trùng tôm và cá bột này vẫn chủ yếu được thu thập từ tự nhiên, rất dễ bị biến động do bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên liên quan đến yếu tố nhiệt độ và độ mặn trong môi trường nước. Tại Việt Nam, các nghiên cứu bước đầu về đặc điểm sinh học làm cơ sở cho nuôi sinh khối loài này mới chỉ được thực hiện và thủ nghiệm trong những năm gần đây, đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường đến tỉ lệ sống của loài giáp xác chân chèo Copepoda này;
Trong các yếu tố môi trường, nhiệt độ là một yếu tố vô sinh quan trọng ảnh hưởng đến sinh trưởng và sinh sản của nhiều loài Copepoda (theo Milione and Zeng, 2008). Do vậy, thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ lên sinh trưởng và sinh sản của loài copepoda là cần thiết. Nghiên cứu này nhằm chỉ ra nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và sinh sản của loài copepoda, góp phần xây dựng quy trình nuôi sinh khối làm thức ăn sống giúp nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống trong sản xuất giống các loài cá biển có giá trị kinh tế.
Phương pháp thí nghiệm
Thí nghiệm 1: Ảnh hưởng của nhiệt độ lên sự phát triển quần thể P. annandalei:
Tại phòng thí nghiệm, chúng tôi bố trí 1500 đơn vị ấu trùng P.annandalei cái mang trứng và đưa vào nuôi trong 03 bình khác nhau có độ mặn 20 ppt/bình. Sau 30 giờ lọc giữa lại nước có ấu trùng naupli mới nở. Quần thể P.annandalei sẽ được nuôi cho tới khi tất cả đạt giai đoạn trưởng thành trong 03 môi trường có điều kiện nhiệt độ là 25º – 30º – 34 ºC.
Thí nghiệm 2: Ảnh hưởng của nhiệt độ lên tỷ lệ sống, sức sinh sản và đánh giá tỷ lệ nở, số naupli nở ra/copepoda P. annandalei
Chúng tôi bố trí ấu trùng P. annandalei cái mang trứng được cho đẻ tương tự như trong điều kiện của thí nghiệm 1 để thu naupli. Lọc thu naupli và bố trí với ba nhiệt độ 25º, 30º và 34ºC. Ấu trùng Copepoda được nuôi trong cốc cho tới khi trưởng thành. Copepoda trưởng thành được sử dụng để bố trí xác định các thông số như: tỷ lệ sống, sức sinh sản, tỷ lệ nở.
Thức ăn nuôi copepoda P. annandalei là tảo Isochrysis galbana với mật độ cho ăn là 60.000 – 65.000 tế bào/ml/ngày/lần.
Kết quả thử nghiệm
Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sản của copepoda P. annandalei. Quần thể copepoda P. annandalei nuôi ở nhiệt độ 30ºC trưởng thành hoàn toàn ở ngày tuổi thứ 9 sớm hơn 1 ngày so với quần thể ở 34ºC và 2 ngày so với quần thể nuôi ở 25ºC.
Trong điều kiện thí nghiệm (25ºC, 30ºC, 34ºC) thì kích thước copepoda P. annandalei giảm; thời gian phát triển và tuổi thọ ngắn hơn khi nhiệt độ nuôi tăng. Nhiệt độ 34ºC cho kết quả về tỷ lệ sống và các chỉ tiêu sinh sản của copepoda P. annandalei là thấp nhất. Trong khi nhiệt độ 30ºC được cho là thích hợp nhất cho sinh sản của loài copepoda P. annandalei với 178,1±3,56 naupli trong 10 ngày nuôi.
Giáp xác chân chèo là một trong những loài quan trọng trong hệ sinh thái ven bờ biển Việt Nam nên nghiên cứu thực nghiệm này góp phần xây dựng cơ sở khoa học vào sinh sản copepoda P. annandalei tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho động vật thủy sản.
Theo Đoàn Xuân Nam và cộng sự