Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2020 sẽ thuận lợi hơn. Ảnh: Dũng Minh
Xuất khẩu tôm Việt Nam năm vừa qua giảm so với năm 2018 nhưng được dự báo sẽ khả quan hơn trong năm mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2019 xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 3,38 tỉ USD, giảm gần 5% so với năm 2018. Trong đó, tôm chân trắng xuất khẩu đạt 2,36 tỉ USD, giảm 3,2% và chiếm 70% giá trị tôm xuất khẩu. Riêng tôm sú giảm mạnh 15% khi chỉ đạt 693 triệu USD. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2019 kém vì giá tôm giảm.
Theo VASEP, dù không đạt kết quả khả quan trong năm qua nhưng tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020. Cụ thể, EU là thị trường nhập tôm lớn nhất với kim ngạch năm 2019 ước đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại EVFTA dự kiến có hiệu lực trong năm 2020 sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đồng thời thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác. Cụ thể, thuế nhập khẩu tôm sú vào thị trường EU được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA và bị mức thuế cơ bản 12%. Hay Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2% và Ecuador thuế cơ bản là 12%.
Thứ hai là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018. Nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 8.2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này đã tạo thêm động lực cho các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn thứ ba là Nhật Bản với kim ngạch năm 2019 ước đạt 626 triệu USD, giảm 2% so với năm 2018. Trong đó tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%. Việc xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018 là nhờ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản giúp duy trì ổn định giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Năm mới, thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
An Yến
Nguồn: Báo Thanh Niên