fbpx

Các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

Biện pháp phòng chống rét cho gia súc trước tình hình thời tiết phức tạp là rất quan trọng. Thời tiết rét đậm rét hại gây ảnh hưởng xấu cho đàn gia súc, gia cầm. Khiến vật nuôi căng mình chống rét và làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Sức đề kháng yếu gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh: lở mồm long móng, thương hàn, tụ huyết trùng… Vì vậy, để phòng chống rét cho đàn vật nuôi, bà con cần áp dụng tốt các giải pháp sau: 

1. Đối với chuồng trại:

Có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô. Đặc biệt, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, nền chuồng gà, trâu bò cần rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm và tăng nhiệt độ trong chuồng. Nuôi gà trên nền đệm lót vi sinh để nâng cao nhiệt độ chuồng giúp sưởi ấm vật nuôi.

Các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm
Biện pháp phòng chống rét cho gia súc gia cầm ở Tuyên Quang

2. Thời điểm chăn thả gia súc, gia cầm:

Bà con cần theo dõi bản tin thời tiết để có kế hoạch nuôi gia súc, gia cầm hợp lý. Hạn chế việc chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC (đặc biệt là gia súc, gia cầm nhỏ). Những ngày rét đậm, rét hại dưới 12oC thì không chăn thả mà nhốt vật nuôi trong chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và tăng cường sưởi ấm vật nuôi bằng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc đốt củi, bếp than để sưởi (chú ý khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng ngạt, ngộ độc vật nuôi và vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy), đối với đàn trâu bò nên mặc áo ấm bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn, áo cũ,…để chống rét.

Các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm
biện pháp chống rét ở Nghệ An

3. Chăm sóc nuôi dưỡng:

+ Đối với gia cầm:

Thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm nhỏ, lưu ý đối với các giống gà mọc lông chậm hoặc ít lông (gà chọi, gà Mía, Đông Tảo,…) khả năng chịu lạnh kém cần có biện pháp chống rét thích hợp (che chắn chuồng tránh gió lùa trực tiếp, tăng nguồn nhiệt bằng cách bổ sung thêm bóng điện, bóng hồng ngoại; Không thả gia cầm ra vườn, đồi trong những ngày có rét đậm, rét hại,…).
Cho gia cầm uống nước ấm, bổ xung chất điện giải, B. comlex, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng vật nuôi.

+ Đối với chăn nuôi lợn:

Nên có chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C. Cung cấp khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn, giai đoạn nuôi.
Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn.

+ Đối với trâu, bò:

Cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho trâu bò, với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể. Ví dụ bò nặng 300 kg, cần cho bò ăn 30 kg cỏ xanh một ngày. Đồng thời bổ sung thêm 0,5 – 1kg thức ăn tinh/con/ngày (bột ngô, bột sắn, cám gạo,.. ) để trâu bò có đủ năng lượng chống rét.

Đối với những ngày rét đậm cần đun nước ấm cho trâu bò uống, bổ sung thêm muối ăn với định lượng 5gam/100kg trọng lượng cơ thể nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng cơ thể.

Cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu bò như ủ chua cỏ voi, VA06, thân cây ngô,.. với lượng 7 – 10 kg/ngày, kết hợp ăn thêm cỏ xanh, rơm nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa và đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu bò trong mùa rét.

Ngoài các biện pháp nêu trên bà con cần đẩy mạnh công tác phòng bệnh như thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vacxin theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Hàng ngày theo dõi tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời những con có dấu hiệu bất thường do đói, rét, dịch bệnh.

 

Ks.Trần Văn Luận -TTKNNB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *