Mong muốn đưa chăn nuôi heo trở thành ngành hàng cạnh tranh và nâng cao lợi thế về xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh đầu tư nguồn giống, thức ăn dinh dưỡng cùng chế độ chăm sóc tại chuồng trại bằng công nghệ tiên tiến.
Chú trọng chất lượng nguồn giống
Là nước có sản lượng heo xuất khẩu nằm hàng đầu thế giới, thế nhưng ngành chăn nuôi heo Việt Nam hiện vẫn chưa có một trung tâm chính quy về quản lý và cải tiến di truyền giống heo quy chuẩn. Việc phối giống và lai tạo đàn heo con vẫn chủ yếu theo thói quen của người chăn nuôi. Lâu dần điều này đã dẫn đến hệ quả là chất lượng giống kém, đàn heo chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, chất lượng thịt không đạt; kéo theo đó là chi phí chăn nuôi bị đội lên, không mang lại hiệu quả kinh tế cân xứng với tiềm năng phát triển.
Nhận thức được tồn tại này, thời gian gần đây đã có các doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn tham gia vào thị trường bằng dự án đầu tư bài bản nhằm cải tạo chất lượng nguồn giống, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Đơn cử như công ty cổ phần nông nghiệp BaF Việt Nam, doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu số lượng lớn nguồn heo giống từ Canada. Đây là giống heo được phát triển bởi tập đoàn hàng đầu trong ngành chăn nuôi heo thế giới – Genesus với đặc điểm di truyền ưu việt, nuôi con tốt, thịt thơm ngon và dễ thích nghi với khí hậu Việt Nam.
Lứa heo giống đầu tiên với 1200 heo nái giống cụ kỵ, 43 heo đực giống cụ kỵ vừa được BAF đưa về Việt Nam thông qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất, và được di chuyển an toàn về nuôi tại hệ thống trang trại lạnh khép kín trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo Ông Huỳnh Minh Triệu Vũ – Phó giám đốc thường trực BAF Việt Nam cho biết: “Đợt nhập khẩu đàn heo cụ kỵ với số lượng lớn như vậy nằm trong kế hoạch phát triển bền vững của BAF Việt Nam. Chúng tôi đẩy mạnh đầu tư nhập nguồn heo giống chất lượng cao từ nước ngoài về nhằm giải quyết triệt để những tồn tại về chất lượng nguồn giống, giải bài toán kinh tế cho người chăn nuôi, mang đến nguồn thịt thành phẩm có độ ngon – dinh dưỡng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường xuất khẩu”.
Đưa công nghệ 4.0 ứng dụng thực tiễn vào ngành chăn nuôi heo
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hiện đang là xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới. Bởi đây là mô hình chăn nuôi kết hợp được những công nghệ hiện đại, tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và tạo ra những bước đột phát cho ngành. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Canada, Hà Lan, Đan Mạch…đã áp dụng thuần thục các mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa nhiều quy trình, bao gồm cho ăn, tắm mát, vệ sinh chuồng trại, thăm khám sức khỏe, thu hoạch…
Để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, BAF Việt Nam cũng đã tham khảo, học hỏi mô hình từ các công ty khác trong ngành để ứng dụng vào dự án chăn nuôi của mình. Đồng thời, doanh nghiệp ứng dụng gói quản lý hệ thống giống heo từ Genesus để giám sát nguồn gen vượt trội của heo bố mẹ. Đảm bảo việc lai tạo, phối giống mới có chất lượng tốt nhất, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho heo thành phẩm khi phân phối ra thị trường.
Không chỉ chú trọng cải thiện giống, công ty còn đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ công nghệ hiện đại từ Châu Âu cùng kỹ thuật cấp đông bề mặt thịt tiên phong có mặt tại Việt Nam. Phương pháp này giúp giữ được độ tươi ngon của thịt heo khi tới tay người tiêu dùng theo đúng tiêu chí “ngon và sạch từ trang trại đến bàn ăn” mà BAF Việt Nam đang hướng đến.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, những nỗ lực của các doanh nghiệp đầu tư bài bản và nghiêm túc như BAF sẽ góp phần mở ra triển vọng phát triển ổn định cho ngành chăn nuôi heo, tránh được những tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao vị thế thương hiệu thịt heo Việt Nam trên trường quốc tế.