fbpx

Khâu trung gian đẩy giá thịt lợn lên như thế nào?

Vì sao tiểu thương không giảm giá thịt lợn?

Gần đây, giá lợn hơi do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như như C.P, Dabaco,… đã giảm xuống ở mức 74.000-75.000 đồng/kg. Sau động thái trên, nhiều người dân hy vọng giá thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị sẽ giảm theo. Tuy nhiên, hiện tại, giá thịt lợn tại một loạt các siêu thị lớn và chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn ở mức khá cao. Cụ thể, giá thịt lợn ở chợ dân sinh như Nghĩa Tân, Thành Công, Đồng Xa, Cầu Diễn, Quan Hoa… ở mức, nạc mông 190.000 đồng/kg, sườn vai 210.000 đồng/kg, ba rọi: 210.000 đồng/ kg. Một số loại thịt ngon còn có thể đạt mức giá cao hơn.

Nói về tình trạng trên, anh Lê Văn Định, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Cầu Diễn cho hay, mức giá lợn hơi công bố là của các doanh nghiệp lớn, có chuỗi cung ứng khép kín. Các tiểu thương bán lẻ thường lấy thịt từ một số thương lái, mua buôn lại của các hộ nuôi nhỏ lẻ. Do đó, giá thịt lợn hơi có thể giảm nhưng giá ngoài chợ vẫn cao.

Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh thường xuyên xấp xỉ mức 150.000 đến 200.000 đồng/kg

“Giá lợn hơi giảm còn 74.000-75.000 đồng/kg nhưng các lò mổ vẫn bán ra cho chúng tôi với giá 110.000 đồng/kg. Mức này tương đương với mức giá lợn hơi xấp xỉ 90.000 đồng/kg. Chúng tôi phải lấy mức cao như vậy nên không thể giảm giá, bên cạnh đó, việc buôn bán cũng phải “nhìn nhau”, cả chợ bán đồng giá không thể một mình giảm”. Anh Định chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thanh Liêm, một tiểu thương bán thịt lợn khác tại chợ Đồng Xa bổ sung thêm, bên cạnh việc khó tiếp cận các nguồn cung giá rẻ, chi phí cho các khâu trung gian từ khi lợn xuất chuồng đến thành phẩm quá cao khiến giá thịt lợn “ngất ngưởng”.

“Hiện tại, quy mô nuôi lợn nhỏ lẻ, phân tán khiến thương lái phải thu gom từ tận chuồng của từng hộ. Sau đó, họ tập hợp lại vận chuyển qua chợ huyện, tỉnh hay qua thương lái có nguồn vốn dồi dào, có kho trữ lớn để đến thị trường tiêu thụ. Trải qua nhiều “cầu” như vậy khiến giá thịt “đội” lên rất nhiều. Bên cạnh đó, việc mua bán, phân phối hàng hóa tại chợ dân sinh chủ yếu là “hợp đồng miệng” nên giá cả lúc thế này lúc thế khác, chính chúng tôi cũng không biết giá ngày mai thế nào”. Chị Liêm cho hay.

Chi phí khâu trung gian chiếm xấp xỉ 30% giá thịt lợn

Trao đổi với Dân Việt về tình trạng trên, ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Phân phối hàng hóa và Dịch vụ thương mại (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nhận định, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, không hình thành chuỗi cung ứng khép kín khiến việc điều tiết thị trường, giá cả trở nên khó khăn.

“Về cơ cấu giá thịt lợn từ khâu giết mổ đến bán lẻ có rất nhiều chi phí phát sinh. Cụ thể, tỷ lệ hao hụt chờ giết mổ: 2%, tỷ lệ hao hụt sau khi giết mổ: 25%, tỷ lệ hao hụt khi pha lóc: 1%. Tổng tỷ lệ hao hụt từ khi xuất chuồng đến khi pha lóc là 26% đến 28%. Do đó, giá heo hơi từ khi xuất chuồng đến khi pha lóc đã tăng 26% đến 28% chưa kể đến các chi phí giết mổ, thú y, vận chuyển từ chuồng trại về nơi giết mổ. Sau đó, giá thịt heo hơi còn chịu một số chi phí như thú y, lợi nhuận của thương nhân tại chợ đầu mối.

Đối với thịt lợn cung cấp tại các siêu thị còn có chi phí vận chuyển, trữ đông, cấp lạnh, đóng gói, tem mác, VAT… Ngoài ra, trên thị trường tự do, lưu thông hàng hóa chưa có được sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, chênh lệch giá bán từ lúc lợn xuất chuồng đến sản phẩm tiêu thụ trên thị trường còn tương đối cao”, ông Trung phân tích

Hoạt động chăn nuôi, thu mua nhỏ lẻ, phân tán khiến giá thịt lợn liên tục “nhảy múa”

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn nên khó kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị. Sản xuất tự phát nên không có hợp đồng bao tiêu dẫn tới giá bấp bênh.

“Hiện tại mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi truyền thống. Kiểu tận dụng với quy mô từ 1-10 con/hộ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65 – 70% về đầu con nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ. Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian”, ông Trung thông tin thêm.

Thanh Phong
Nguồn: Báo Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *