fbpx

Kiểm soát độc tố tảo ao nuôi

Trong ao nuôi, tảo là một mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn tự nhiên và giữ vai trò như hệ thống lọc sinh học giúp cân bằng các yếu tố môi trường. Tuy nhiên, tảo xuất hiện quá mức sẽ gây biến động nước ao, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.

Tảo độc là các loại tảo gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật thủy sản

Nguyên nhân xuất hiện tảo độc

Tảo là một nhóm lớn và đa dạng, gồm một hay nhiều tế bào có cấu tạo đơn giản, có màu khác nhau, luôn luôn có chất diệp lục nhưng chưa có rễ, thân, lá. Tảo có nhiều dạng: đơn bào, sợi xiên, sợi phân nhánh, hình ống, hình phiến. Ở trạng thái bình thường, tảo đôi khi có lợi nhưng nếu tảo phát triển quá mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm hàm lượng ôxy trong ao, đồng thời có thể sinh ra độc tố ảnh hưởng đến các loài động vật thủy sinh.

Trong ao nuôi, tảo phát triển mạnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau; nhưng phần lớn là do quá trình tích lũy chất thải trong ao nuôi, bao gồm thức ăn dư thừa, phân tôm, nền đáy dơ bẩn, hóa chất kháng sinh… Ngoài ra, thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa giông đột ngột làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi, quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ tăng sinh ra nhiều chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho tảo có hại trong ao phát triển.

Ảnh hưởng của tảo độc với môi trường ao nuôi

Tảo độc là các loại tảo gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến động vật thủy sản như: Tảo lam, tảo giáp, tảo mắt… Các loại tảo này khi chết lấy đi ôxy trong nước và tiết ra độc tố gây hoại tử gan tôm, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng nước ao. Tôm nuôi ở tháng thứ 2 trở đi, tảo giáp và tảo lam thường có tình trạng phát triển quá mức và chiếm ưu thế. Những loài tảo này có vách tế bào cứng nên nếu tôm ăn phải, chúng sẽ không tiêu hóa được dẫn đến hiện tượng tôm bị tắc nghẽn đường ruột hoặc phân bị đứt đoạn.

Bên cạnh đó, tảo phát triển mạnh cũng ảnh hưởng nhiều pH ao nuôi, khiến dao động pH trong ngày lớn (pH chiều có thể lớn hơn 9). Hơn nữa, vào lúc gần sáng (3 – 4 giờ), quá trình hô hấp của tảo sẽ hấp thu một lượng lớn O2 trong môi trường và thải ra một lượng lớn CO2, từ đó kéo theo pH trong ao bị giảm thấp. Kết hợp với điều kiện ôxy thấp, hệ miễn dịch của tôm sẽ suy yếu và dễ mắc bệnh.

Giải pháp xử lý tảo độc

Kiểm soát vật lý

Việc kiểm soát cơ học với các loại tảo độc (tảo sợi) thường là kéo hoặc vớt tảo ra khỏi ao. Sau đó, vứt bỏ tảo ở vị trí xa ao để ngăn các chất dinh dưỡng không trở lại ao khi tảo phân rã. Mặc dù, phương pháp này đòi hỏi nhiều lao động và mất thời gian, nhưng lại rất hiệu quả trong ao nhỏ, có thể ngăn ngừa sự phát triển tảo trong tương lai.

Tăng cường sục khí cũng được sử dụng như là một cách tiếp cận để kiểm soát tảo. Khi hàm lượng ôxy cao sẽ có tác dụng kích thích phospho để liên kết và được hấp thụ vào trong trầm tích của ao nuôi. Điều này ngăn không cho phospho sẵn có trong nước để tảo sử dụng và tăng trưởng. Phương pháp này phù hợp hơn khi kiểm soát các loài tảo nổi.

Quan trọng hơn hết là người nuôi cần tính toán lượng thức ăn phù hợp cho tôm, tránh tình trạng thức ăn dư thừa và tích lũy xuống đáy ao.

Kiểm soát sinh học

Người nuôi có thể thả ghép cá rô phi với tôm trong ao. Cá rô phi có thể tiêu hóa 30 – 60% đạm trong tảo, đặc biệt là các loại tảo lam, tảo lục, làm giảm sinh khối của loài tảo này, hạn chế hiện tượng màu nước ao nuôi trở nên xanh đậm hoặc xanh đen, dày đặc…

Kiểm soát hóa học

Khi tảo phát triển quá mức, có thể xử lý bằng men vi sinh với mật đường ủ 3 – 6 giờ đánh vào ban đêm. Kết hợp bón vôi với liều lượng < 20 kg/1.000 m3, sau đó sử dụng Zeolite, liều 20 kg/1.000 m3. Kết hợp với hút bùn, xi phông đáy và sử dụng chất diệt tảo. Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy, các chế phẩm sinh học dùng để quản lý tảo trong nuôi thủy sản có nguồn gốc đồng hữu cơ tốt hơn nhiều so với các chế phẩm đồng sulfate, do chúng hoạt động tốt hơn và an toàn, hiệu quả hơn; mặt khác, thời gian tiếp xúc trong nước lâu hơn (có cơ chế diệt tảo rõ ràng) và hoạt động ổn định trong nước; ngoài ra, liều lượng sử dụng thấp hơn và số lần ứng dụng cũng ít hơn so với đồng sulfate. Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm đồng hữu cơ mang hiệu quả cao, người nuôi cần tham khảo kỹ để lựa chọn sản phẩm thích hợp.

Lưu ý trong quá trình nuôi, càng về cuối vụ thì tỷ lệ N/P trong nước càng giảm là do N lắng đáy, do vậy ngay từ tháng nuôi đầu tiên ao nuôi cần được bổ sung chế phẩm vi sinh chứa vi khuẩn Nitrobacter và Nitrosomonas để chuyển hóa các chất gây độc như NH3, NO2- thành dạng không độc như NO3-, NH4+.

Theo Thủy sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *