fbpx

Nắng nóng kéo dài, Đà Nẵng đối mặt nguy cơ hạn hán

Theo số liệu đánh giá của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng về tình hình mưa, từ tháng 2 đến tháng 6/2020, lượng mưa xấp xỉ và thấp hơn giá trị trung bình năm trước, chỉ đạt 70% đến 100%. Từ tháng 2 đến tháng 6/2020, lượng dòng chảy về sông Vu Gia và các sông thuộc thành phố Đà Nẵng phổ biến thiếu hụt khá nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Tình hình nắng nóng và khô hạn gay gắt tại thành phố Đà Nẵng sẽ kéo dài từ nay cho đến cuối tháng 8 và có khả năng đến đầu tháng 9-2020

Cho đến thời điểm hiện tại, mực nước trung bình trên các sông tiếp tục thấp hơn trung bình năm, dự đoán thời gian tới đây, trên sông Vu Gia, mực nước có khả năng xuống thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử cùng kỳ. Tình trạng ngập mặn trên các sông khả năng ở mức mạnh hơn trung bình năm cùng kỳ, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Trên các sông độ mặn lớn, mặn xâm nhập sâu vào các dòng sông gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Qua công tác dự báo các tháng đầu năm 2020, dự kiến vụ Hè Thu 2020 lượng nước các hồ chứa đều giảm, dòng chảy về hạ lưu giảm, bên cạnh đó do điều tiết nước để hoạt động các nhà máy thủy điện và điều tiết nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên gây khó khăn cho hoạt động của các trạm bơm tưới trên hệ thống An Trạch và nguy cơ nhiễm mặn đối với các trạm bơm hạ lưu đập dâng An Trạch bao gồm các trạm bơm phường Hòa Qúy, Ngũ Hành Sơn…

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, tình hình nắng nóng và khô hạn gay gắt tại thành phố Đà Nẵng sẽ kéo dài từ nay cho đến cuối tháng 8 và có khả năng đến đầu tháng 9-2020, nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn mạnh và thiếu nước sinh hoạt.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2020, do hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng, nên nền nhiệt độ tại thành phố Đà Nẵng cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 1-2oC. Từ tháng 4-2020 đến nay, tại thành phố Đà Nẵng đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, nắng nóng gay gắt và khô hạn, xâm nhập mặn mạnh… Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ đã có nhiều bản tin dự báo nắng nóng và cảnh báo có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu dân cư và nguy cơ cao cháy rừng; nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ông Nguyễn Tài – Phó phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Hòa Vang. Trong vụ hè thu 2020 này, diện tích trồng lúa khoảng 2.200 ha, diện tích trồng rau, màu khoảng 640 ha. UBND huyện đã xây dựng phương án chống hạn cho cây trồng năm 2020 với nhiều giải pháp.

Hiện nay vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong, diện tích lúa vụ Hè Thu đã gieo sạ xong, theo đánh giá tổng diện tích có nguy cơ bị khô hạn khoảng 252 ha, tập trung ở các địa phương như Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Bắc… UBND huyện đã tập trung đẩy mạnh, vận động, tuyên truyền và hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt chú trọng chuyển đổi những diện tích đất lúa ở khu vực không chủ động nước sang các loại cây trồng cạn có khả năng chống hạn như, đậu xanh, bắp lai, mè, dưa hấu…

Đồng thời, vận động nhân dân chuyển đổi sử dụng giống lúa dài ngày sang sử dụng giống lúa trung, ngắn ngày, nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm lượng nước tưới và hạn chế thiệt hại do mưa lũ cuối vụ. Đi thực tế tại một số địa phương, chúng tôi cũng nhận thấy tình hình khô hạn đang có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đệ ở thôn Bắc An, Hòa Tiến cho biết, toàn bộ diện tích trồng lúa của thôn đã gieo sạ xong, nhưng lượng nước tưới thiếu và chậm, nên bà con nông dân không thể bón phân lót cho lúa đã nảy mầm lên chồi cả tuần qua, như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến năng xuất lúa sau này… Nguy cơ thiếu nước tưới cũng ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa các thôn khác ở Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương…

Diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Hòa Vang

Trong thời gian qua, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, UBND các xã ở Hòa Vang, Hợp tác xã dịch vụ tưới đã tăng cường công tác quản lý nước, kiểm tra các công trình kênh mương, đồng ruộng để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước. Tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng, đắp bờ giữ nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Các đội thủy nông tại các địa phương tổ chức lấy nước đúng phiên, kiểm tra kênh mương, lịch phân phối nước và xử lý kịp thời các sự cố. Kiểm tra các hồ ao nuôi thủy sản, phân phối nước thích hợp, ưu tiên cho cây lúa đồng thời sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ và cơ cấu giống.

UBND huyện Hòa Vang đã dự trù kinh phí chống hạn trong vụ Hè Thu này hơn 170 triệu đồng, dùng để nạo vét kênh mương, trả tiền điện, mua xăng dầu cho máy bơm nước. Quán triệt các địa phương, khi thiếu nguồn nước tưới, phải bơm chống hạn, phải báo cáo về phòng NN-PTNT để triển khai thực hiện, không để diện tích sản xuất nông nghiệp bị mất trắng do khô hạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *