Nuôi tôm công nghệ cao góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: PTC.
Vụ tôm nước lợ năm 2019 được đánh giá là có nhiều biến động nhất, khiến cho những dự báo của doanh nghiệp về sản lượng, thị trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ngành tôm cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng cũng kịp về đích, dù thành công được đánh giá là chưa trọn vẹn. Và hiện tất cả đang nỗ lực cho vụ tôm mới với những kỳ vọng cao hơn.
Vẫn có thuận lợi
Ngay khi còn trong giai đoạn cải tạo ao, nhiều dự báo đã cho thấy vụ tôm năm 2019 sẽ trúng mùa khi các yếu tố về thời tiết, môi trường đều khá thuận lợi. Và thực tế đã chứng minh những dự báo trên là hoàn toàn chính xác khi hầu hết các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL đều trúng mùa. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh, sản lượng tôm năm nay đạt trên 150.000 tấn, dù diện tích thả nuôi chỉ vào khoảng 57.000 ha. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở ĐBSCL như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… đều ghi nhận có sản lượng tôm nuôi tăng so năm 2018. Đánh giá về tình hình vụ nuôi, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết: “Sản lượng tôm năm nay đúng ra sẽ tăng rất cao nếu như giá tôm những tháng đầu năm không xuống thấp và bệnh EHP không xuất hiện ở giai đoạn gần cuối vụ nuôi chính. Tuy nhiên, vụ tôm năm nay vẫn được đánh giá là thành công với sản lượng ước khoảng 860.000 – 870.000 tấn và tỷ lệ thiệt hại thấp”.
Không chỉ có sản lượng tăng, mà chất lượng tôm nuôi cũng được nâng lên đáng kể, như nhận xét của ông Hà Hữu Tri, Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp sản xuất thủy sản tại Sóc Trăng: “Năm nay tình hình nuôi tôm thuận lợi hơn và chất lượng tôm nuôi cũng tốt hơn, nên hầu như không có doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào bị trả hàng như những năm trước. Điều này cùng với việc thế giới thiếu hụt nguồn cung đã làm cho giá tôm tăng mạnh trở lại, nhất là từ tháng 9 đến nay; trong đó, tôm ở size từ 40 con/kg trở về lớn có giá tăng mạnh nhất, do được tiêu thụ tốt tại các thị trường”.
Tuy nhiên, niềm vui của người tôm và doanh nghiệp xuất khẩu không được trọn vẹn do giá tôm thế giới và trong nước liên tục giảm mạnh trong hơn 7 tháng đầu năm và dịch bệnh xuất hiện làm cho việc thả nuôi có phần chững lại và gây thiếu hụt nguyên liệu lúc cuối vụ. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, phân tích: “Năm nay, ngành tôm có nhiều biến động, điển hình nhất là giá tôm giảm rất mạnh so với năm 2018. Do đó, dù sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng giá trị xuất khẩu ước tính chỉ đạt 3,6 tỷ USD, tức giảm khoảng 600 triệu USD so với kế hoạch. Tuy nhiên, về tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định và có lãi; người nuôi cũng không quá bấp bênh như những năm trước”.
Kỳ vọng cho năm mới
Nhận định về thị trường xuất khẩu tôm năm 2020, các doanh nghiệp đều nghiêng về yếu tố thuận lợi nhiều hơn. Thuận lợi trước tiên được các doanh nghiệp nhắc đến chính là thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%; Thứ hai, Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6/2020, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất; Thứ ba, thị trường Trung Quốc hiện khoảng 75 – 80% hàng hóa thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để gia tăng cũng như đạt kết quả xuất khẩu tôm tốt trong năm 2020, điều trước tiên theo các doanh nghiệp là cần có sản lượng và chất lượng tôm tốt hơn. Ông Hòe giải thích: “Hiện Việt Nam khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn mỗi yếu tố là tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục được khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn”. Liên quan đến việc liệu có diễn ra sự cạnh tranh nội bộ hay không ở thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Cạnh tranh vốn dĩ là bản chất của thương trường, ở đó các doanh nghiệp luôn đối đầu cạnh tranh nội bộ lẫn từ các cường quốc tôm. Do đó, muốn có năng lực cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh bài bản, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu; đồng thời coi trọng chọn lựa tôm nguyên liệu sạch, có thể truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu…”.
Với những kết quả ở cả hai lĩnh vực nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm chúng ta tiếp tục có thêm một vụ tôm thành công, dù kết quả chưa được như mong muốn. Hy vọng, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn trong năm 2020 khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng: “Chúng ta phải biết chấp nhận tính bão hòa của thị trường, từ đó đề ra các mục tiêu hợp lý hơn, với mặt hàng tôm, giá trị kim ngạch 4 – 4,2 tỷ USD cũng đã là một nỗ lực”.
Xuân Trường
Thủy sản Việt Nam
>> TÌM HIỂU NGAY |