fbpx

Nguyên nhân bệnh lem lép hạt lúa và cách phòng trị

Nguyên nhân bệnh lem lép hạt lúa và cách phòng trị

Nguyên nhân bệnh lem lép hạt lúa được xác định có thể do vi khuẩn, bọ xít hôi chích hút hoặc do nhện gié. Nhưng chủ yếu vẫn là do nhiều loại nấm gây ra.

Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân bệnh lem lép hạt ở lúa và cách phòng trị?

Trả lời:

Bệnh lem lép hạt lúa có thể do vi khuẩn, hoặc do nhện gié, bọ xít hôi chích hút. Nhưng chủ yếu vẫn là do nhiều loại nấm gây ra.

Để hạn chế tác hại của căn bệnh này bà con phải áp dụng một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại, sau đây là một số biện pháp chính sau:

– Tuyệt đối không lấy lúa ở những ruộng đã bị bệnh lem lép hạt gây hại nhiều để làm giống cho vụ sau.

– Trước khi ngâm ủ cần phơi khô, quạt sạch lúa giống để loại bỏ hết những hạt bị lép lửng. Vì những hạt này mang nhiều mầm bệnh lây nhiễm cho vụ sau.

– Xử lý giống trước khi ngâm ủ.

– Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe. Tuyệt đối không bón quá thừa đạm, đồng thời cũng không được để cây lúa quá thiếu đạm.

– Phòng trừ tốt bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, vàng lá, đốm nâu, tiêm lửa, vết nâu… Trước khi lúa trỗ (nếu có), để hạn chế những loài nấm và vi khuẩn gây ra những căn bệnh này tấn công hạt lúa làm cho hạt lúa bị lem lép.

– Diệt trừ bọ xít hôi, nhện gié (nếu có).

– Để phòng ngừa bệnh, bà con có thể dùng một trong những loại thuốc như: Biodazim 500SC, Tilgent 450SC, Amistar top 325SC, Ara-super 350SC, Vixazol 275 SC… phun 2 lần (lần 1 khi lúa bắt đầu trỗ và lần 2 khi lúa vừa trỗ).

Hỏi: Theo thói quen của chúng tôi khi bón phân cho lúa đẻ nhánh thì chỉ bón đạm riêng lẻ còn kali thì để dành đến khi lúa làm đòng mới bón, như vậy có đảm bảo cân đối? Để hiệu quả cho lúa thì nên bón kali như thế nào?

Trả lời: Cần bón kali trong các lần bón lót, bón thúc cho lúa. Kali làm tăng cường mô cơ giới trong cây nên thân lá cứng chắc, cây sẽ khỏe mạnh và đẻ nhánh nhiều hơn, kháng sâu bệnh tốt hơn.

Kali còn làm tăng tính chống chịu cho cây trước những bất lợi thời tiết, hạn chế đổ ngã, dập nát cho cây, lá lúa khi được bón kali không có màu xanh đậm sẽ không thu hút pha trưởng thành của sâu đến đẻ trứng… Do đó, kali là yếu tố thiết yếu cho cây trồng nên cần phải bón cùng với đạm trong lúc thúc đẻ nhánh và các lần bón tiếp theo.

Việc bón kali cả vụ nhiều hay ít là tùy thuộc vào cây trồng trước và chân ruộng cấy lúa. Nếu cây trồng trước là cây lấy củ, quả thì vụ lúa liền kề phải tăng cường kali cao hơn so với chân ruộng trước đó không trồng màu, để ải. Ruộng lúa có hàm lượng sét nhiều thì bón kali thấp hơn so với chân ruộng cát pha, thịt nhẹ. Giống lúa lai, cao sản cần bón nhiều kali hơn so với lúa thuần ngắn ngày…

Lượng kali ở mỗi lần bón cũng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng kali của cây lúa từng thời điểm: Thông thường thời kì lót và thúc đẻ nhánh lượng kali bằng 1/2 lượng đạm nhưng thời điểm lúa làm đòng cần bón kali gấp đôi thậm chí gấp 3 lần đạm tùy theo đặc điểm lúa lúc đó. Thời kì lúa làm hạt cần bổ sung kali trên bông thông qua phun kali trắng( K2SO4).

 

trích Nông nghiệp

One thought on “Nguyên nhân bệnh lem lép hạt lúa và cách phòng trị

  1. Pingback: Phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại lúa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *