fbpx

Những chú ý quan trọng khi nuôi thủy sản mùa đông

Những chú ý quan trọng khi nuôi thủy sản mùa đông

Nuôi thủy sản mùa đông với nền nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi. Nên cần có những biện pháp chăm sóc hợp lý để thủy sản phát triển tốt, tránh ảnh hưởng xấu. 

Ao chưa thả nuôi 

Ao nuôi thủy sản mùa đông cần chọn ao kín gió, có diện tích từ 500 – 1.000 m2, ao có hình chữ nhật, hướng Bắc – Nam. Có nguồn nước sạch, cấp và thoát nước dễ dàng, dễ gây màu, chất đáy tốt. Bờ ao phải chắc chắn, không để bờ ao rò rỉ làm cạn nước, luôn giữ mực nước trong ao > 1,5 m, tốt nhất là từ 2 – 2,5 m. Các yếu tố thủy lý, thủy hóa ao nuôi phù hợp với sự phát triển của các đối tượng nuôi: pH >7, ôxy hòa tan > 5 mg/l.

Người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết để lựa chọn thời điểm thả phù hợp. Nên thả giống trước khi có không khí lạnh khoảng 4 – 6 tuần. Thả giống tránh vào thời điểm gió mùa, mưa kéo dài. Cần cân bằng nhiệt độ nước trong túi chứa giống và môi trường nuôi trước khi thả. Nếu sau khi thả giống gặp những cơn mưa bất thường. Ngay lập tức dùng vôi bột rải đều trên khắp bờ, mặt ao với lượng 2 kg/100 m2. Để khắc phục tình trạng pH giảm đột ngột làm tăng độc tính của khí H2S. Ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi.

Ao đang nuôi thủy sản mùa đông

Giữ mực nước sâu >2 m để ổn định nhiệt độ môi trường. Thực hiện cho ăn theo nguyên tắc “4 định” (chất lượng, số lượng, vị trí, thời gian).

Thường xuyên kiểm tra số lượng và trọng lượng thủy sản, tiến hành thu hoạch khi đạt kích cỡ thương phẩm. Hàng ngày theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp phòng, tránh rét cho thủy sản.

Trong thời gian nuôi qua mùa đông, hạn chế tối đa việc đánh bắt, kéo lưới làm thủy sản bị xây xát, dễ nhiễm các bệnh do nấm, vi khuẩn; không sử dụng phân bón hữu cơ trong ao nuôi; duy trì hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi từ 4 mg/lít trở lên.

Bổ sung chất bổ, Vitamin C và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với các đối tượng nuôi để tăng sức. Mục đích đề kháng và khả năng chống chịu khi thời tiết lạnh kéo dài. Thường xuyên theo dõi ao nuôi để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý.

Định kỳ dùng vôi bột hay một số thuốc sát trùng như đồng sulfat; thuốc tím, muối, BKC… theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh. Đặc biệt, khi nhiệt độ thay đổi, thủy sản sẽ di chuyển xuống đáy ao. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý môi trường đáy ao. Vì nơi đây tích tụ các mùn bã hữu cơ, khí độc, nấm và vi khuẩn có hại. Tăng cường sục khí để cung cấp đủ hàm lượng ôxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress.

Ao nuôi cá

Có thể thả bèo tây, rau muống phủ kín 1/3 (hoặc 2/3) diện tích mặt ao. Dùng rơm, rạ cuộn thành từng bó cho xuống các góc ao để cá trú rét. Với ao nhỏ có thể dùng nilon phủ trên ao, tạo thành ngôi nhà chống rét cho cá. Vào thời điểm nhiệt độ trên 180C, tập trung cho cá ăn thức ăn tinh giàu đạm để tăng cường khả năng chịu rét cho cá. Sau khi hết rét, cần cho cá ăn tích cực đảm bảo đủ chất lượng, số lượng để cá sinh trưởng và phát triển tốt. Khi thời tiết lạnh giá kéo dài, nhiệt độ nước xuống dưới 140C nên dừng cho cá ăn.

Ao tôm:

Trong nuôi tôm vụ đông, cần ổn định các yếu tố môi trường, nhất là nhiệt độ, vì vậy khuyến khích người nuôi nên xây dựng nhà bạt. Do nuôi trong nhà bạt, ôxy từ không khí khuyếch tán ít vào trong môi trường nước, nên sử dụng quạt nước trong ngày nhiều hơn so với nuôi tôm ngoài trời. Tôm nuôi 1 – 2 tháng đầu: Thời gian quạt nước là 6 – 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 22 giờ đến 6 giờ sáng; Từ tháng thứ 3 trở đi: Thời gian quạt nước là 15 giờ/ngày, bắt đầu từ 16 giờ đến 7 giờ sáng.

Có thể bơm nước từ đáy ao lắng qua để cung cấp thêm nước sạch có nhiệt độ ổn định. Trong một số trường hợp, có thể gây màu nước để giúp hấp thu tối đa năng lượng mặt trời. Với các hệ thống nuôi bể; nuôi trong nhà kín, cần sử dụng một số hệ thống nâng nhiệt để giữ nhiệt độ ổn định khi trời lạnh.

Khi nhiệt độ giảm 20C thì điều chỉnh giảm 30 – 50% lượng thức ăn hàng ngày và khi nhiệt độ ổn định lại cần theo dõi khả năng bắt mồi để điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với một số vật nuôi khác như lươn, ếch: cần thực hiện che kín ao/bể nuôi bằng bạt nilon, lá dừa… Mặt ao/bể nuôi thả bèo tây chiếm 2/3 diện tích về phía hướng gió. Dùng lá dừa khô tạo thành ụ ở những chỗ ếch thường nằm để ếch vào tránh rét. Lươn, ếch phải được chăm sóc kỹ, cho ăn bình thường, bổ sung thêm Vitamin C vào khẩu phần ăn giúp ếch tăng sức đề kháng.

 

Nguồn: TSVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *