fbpx

Phân loại giới tính chính xác tới 99%

Khi công nghệ phân loại giới tính tinh trùng thực sự đạt được tới cảnh giới với độ chính xác cao lên tới 99% thì các nhà di truyền học nói riêng và các nhà chăn nuôi heo nói chung sẽ nhận được những lợi ích vô cùng to lớn.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Jon Meadus và nhiều người khác tại Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm Lacombe, Canada: “chi phí thụ tinh nhân tạo (AI) mà chúng ta biết đến chỉ là trên danh nghĩa, trên thực tế thì nhiều hơn (nghĩa là chi phí thụ tinh nhân tạo bị đội lên do các khâu như thiến, giá heo đực không cạnh tranh…). Nhưng nếu công nghệ phân loại giới tính tinh trùng heo có độ chính xác khoảng từ 95% hoặc cao hơn thì những người làm AI thường xuyên chắc chắn sẽ áp dụng kỹ thuật này miễn sao nó có giá cả phải chăng. Nó cũng giúp ngành công nghiệp chăn nuôi heo tránh được các vấn đề về phúc lợi động vật liên quan đến việc thiến heo”.

Chỉ nuôi heo thịt cái sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều

Theo Jay Willis, quản lý trung tâm nghiên cứu và công nghệ heo thuộc Đại học Alberta, “xét về góc độ di truyền, tôi nghĩ rằng các công ty di truyền và các bên liên quan sẽ rất vui khi có công nghệ này. Nó giúp gia tăng số heo nái bạn cần và giảm sản xuất ra những heo đực mà bạn không cần, giúp bạn tiết kiệm 1 khoản chi phí khá lớn. Về phía thương mại, rõ ràng giá cả mỗi liều tinh đã phân loại giới tính bao nhiêu là vấn đề được quan tâm nhất. Một số lợi ích thấy rõ của công nghệ mới này như chế độ ăn tiết kiệm, phù hợp và hiệu quả hơn nên năng suất chăn nuôi được cải thiện hơn; Không phải mất thời gian, chi phí, công sức cho việc thiến heo”

Nghiên cứu đang được thực hiện tại phòng thí nghiệm của công ty Fast Genetics, công ty này đã được công ty Sexing Technologies mua lại.

Không còn đau đầu vì thiến heo đực

Ở châu Âu, ngành chăn nuôi heo đang vô cùng đau đầu để tìm ra các giải pháp thay thế việc thiến heo đực nhằm đảm bảo quyền lợi động vật. Tuy vậy cho đến nay vì vẫn chưa tìm ra giải pháp nào hợp lý nên các trang trại tại châu Âu đa phần vẫn đang thiến heo bình thường bất chấp những lời cam kết tự nguyện bỏ thiến cách đây khoảng 9 tháng. Một chi nhánh của Ủy ban châu Âu gần đây đã hoàn thành một nghiên cứu về việc thiến heo đực, trong đó nêu rõ rằng: “trước khi kết thúc phương pháp thiến truyền thống một cách rộng rãi, ngành chăn nuôi heo cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề tiềm ẩn”.

Quá trình phân loại này có làm hỏng tinh trùng hay không?

Trở lại với công nghệ phân loại giới tính tinh trùng có độ chính xác cao, Tiến sĩ Michael Dyck – giáo sư khoa nông nghiệp và khoa học môi trường thuộc Đại học Alberta – đồng ý rằng có rất nhiều lợi ích từ công nghệ mới này, nhưng điều giáo sư quan tâm là liệu công nghệ này có thực sự khả thi với một khoản chi phí chấp nhận được hay không và những tinh trùng còn lại có bị ảnh hưởng gì từ quá trình phân loại trên hay không?

Câu trả lời cho những thắc mắc trên sẽ được công ty Sexing Technologies trả lời bên dưới đây.

Công nghệ phân loại giới tính tinh trùng trước đây

Tiến sĩ Gregg BeVier thuộc nhóm nghiên cứu của công ty Sexing Technologies cho biết công nghệ mà họ sử dụng để tách tinh trùng heo đực là dựa trên sự khác biệt về hàm lượng AND của nhiễm sắc thể X và Y – là công nghệ đã được bắt đầu từ những năm 1970. Ngoài ra cũng có những phương pháp khác được phát triển trong vài thập kỷ qua để phân loại, tách chiết tinh trùng như ly tâm hay các công nghệ hạt khác nhau.

  • – Ví dụ như Ovasort, một công ty của Đại học Bristol, Vương quốc Anh đã phát triển công nghệ phân loại giới tính tinh trùng dựa trên sự phát hiện của các protein bề mặt.
  • – Vào năm 1989, tiến sĩ Larry Johnson và các đồng nghiệp thuộc sở nghiên cứu nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA –ARS) ở Beltsville, MD, Hoa Kỳ đã nghiên cứu ra một phương pháp tách chiết tinh trùng mới dựa trên hàm lượng AND của tinh trùng. Nó được gọi là Beltsville Sperm Sexing Technology và đạt tới 90% thành công khi thử nghiệm trên nhiều loại gia súc khác nhau. Beltsville cho biết: “sau đó, công nghệ này được USDA – ARS cấp bằng sáng chế và được cấp phép cho Đại học bang Colorado và quỹ nghiên cứu đại học bang Colorado”.

“Năm 1996, các bên này tạo ra một công ty tên là XY Inc, và trong năm 2005, Sexing Technologies đã mua lại nó. Juan Moreno, Giám đốc điều hành của Sexing Technologies đã kế thừa công nghệ trên, tinh chế nó và sau đó thu nhỏ nó để làm cho nó khả thi hơn về mặt thương mại”.

Để làm được như vậy, Sexing Technologies đã phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn và cũng đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ phân loại tế bào, phương tiện truyền tinh tinh trùng và kỹ thuật thụ tinh liều thấp.

Các nghiên cứu ban đầu là trên gia súc

BeVier cho biết trong quá trình phân loại tinh trùng dựa trên cấu tạo của phân tử ADN trên tất cả các loài, gia súc là sự lựa chọn phù hợp nhất của Công ty Sexing Technologies vì sự sinh sản của gia súc đã là một phần trong các danh mục đầu tư của công ty. “Thêm vào đó, việc thụ tinh nhân tạo gia súc sử dụng số lượng tế bào thấp hơn so với nhiều loài”, ông nói thêm, “và vì việc thụ tinh hậu sản cổ tử cung là cách phổ biến trong chăn nuôi bò, do đó gia súc là một sự khởi đầu hợp lý.” Trước khi đội ngũ nghiên cứu của Sexing Technologies hoàn thiện các kỹ thuật của trên, BeVier cho biết tiến bộ trong việc cải thiện việc phân loại giới tính tinh trùng gia súc đã có các bước chuyển biến qua nhiều năm:

  • “Từ năm 1990 đến năm 1995, tốc độ phân loại chậm, đạt được độ tinh khiết 83% về giới tính và 70% mức sinh sản bình thường”.
  • “Từ năm 1996 đến năm 2002, tốc độ phân loại được cải thiện tới 400%, đạt được 80-85% mức sinh sản bình thường”.
  • “Từ năm 2003 đến năm 2012, tốc độ phân loại được cải thiện thêm 100%”.
  • “Đến năm 2015, tỷ lệ sinh sản của phương pháp của Sexing Technologies tương đương với phương pháp thụ tinh thông thường và do tiến bộ trong tốc độ phân loại tế bào và bổ sung nhiều đầu sorter cho mỗi phân loại máy tính, Sexing Technologies hiện cung cấp cho ngành công nghiệp gia súc các liều tinh đã được phân loại giới tính có độ chính xác lên tới 99%”.

Tinh trùng heo đực được phân loại giới tính chính xác lên tới 99%

Để tiến vào ngành chăn nuôi heo, năm 2015 Sexing Technologies đã mua Fast Genetics tại Saskatoon, SK, Canada. BeVier giải thích rằng việc đưa tinh trùng heo đực được phân loại theo giới tính vào ngành chăn nuôi heo đòi hỏi một chiến dịch truyền thông mới đồng thời cần phải nghiên cứu và thử nghiệm kỹ hơn để xem hiệu quả khi thụ tinh với liều thấp có hiệu quả như trên gia súc khác hay không.

BeVier cho biết thêm: “Trong quá trình chờ thương mại hóa tinh trùng được phân loại giới tính, chúng tôi tiếp tục tiến hành các thử nghiệm tại các trại hạt nhân và trại heo giống của công ty và sau đó chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trong vài tháng tới.”

Fast Genetics có nhiều cơ sở phân loại tinh trùng heo đực ở Bắc Mỹ nhưng không muốn tiết lộ vào thời điểm này vì công nghệ này sẽ có mặt tại nhiều cơ sở khác và nhiều nơi khác nhau, hơn nữa có thể ban đầu công ty sẽ tập trung trên các thị trường chính như Canada và Mỹ.

Về công tác phòng ngừa thiệt hại do tinh trùng heo đực được phân loại giới tính mang lại khi bắt đầu quá trình sản xuất, công ty cho biết công nghệ phân loại của họ có độ chính xác cao tới 99% và hiệu quả đã được chứng minh trên thực tế.

Lợi nhuận của việc phân loại tinh trùng heo đực mang lại

Rõ ràng với công nghệ mới này năng suất chăn nuôi của trại sẽ được cải thiện rõ rệt do giảm được các chi phí đến từ việc thiến heo hay giá thành giảm khi người tiêu dùng không thích “mùi” của heo đực. BeVier cho biết rằng về mặt lý thuyết, một trang trại khi áp dụng công nghệ này có thể tăng sản lượng lên gấp đôi và trong bối cảnh thương mại, lợi nhuận kỳ vọng đạt được là từ 6 đến 9 USD/heo tương đương 132.000-198.000 vnđ/heo , tùy thuộc vào bản thân heo nái, môi trường chăn nuôi và từng quốc gia cụ thể. Ông nói thêm rằng vệ sinh an toàn sinh học cũng có thể được quản lý tốt hơn nếu một trang trại chỉ chú trọng phát triển một giới tính của heo. BeVier tâm sự thêm việc phân loại thành công giới tính tinh trùng heo đực cho ngành công nghiệp chăn nuôi heo đối với ông giống như là hoàn thành một giấc mơ dài mà ông theo đuổi bao lâu. Ông nói: “Trong nhiều năm qua, ngành chăn nuôi heo đã tưởng tượng làm thế nào mới có thể điều chỉnh được giới tính cho heo con sơ sinh. Bây giờ chúng ta không phải tưởng tượng nữa.”

Biên dịch: VietDVM team  (theo pigprogress).
Nguồn: VietDVM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *