fbpx

Quy mô thị trường thịt lợn toàn cầu 28,5 tỷ USD, Việt Nam chỉ góp 45 triệu USD

Nhập khẩu thịt lợn sẽ còn tăng mạnh

Thông tin của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đưa ra tại Hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh” hôm nay (20/2), cho thấy, xét về sản lượng, Việt Nam là nước xếp thứ 5 trong tốp 10 quốc gia và khu vực sản xuất thịt lợn nhiều nhất với sản lượng móc hàm đạt 2,8 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất (2,7 triệu tấn/năm). Trong “rổ” thực phẩm của người dân Việt Nam, thịt lợn chiếm tới 65%, thịt bò và thịt gà chỉ chiếm 20%. Chính vì vậy, năm 2019, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, giá thịt lợn trong nước tăng vọt, nhập khẩu thịt vì vậy cũng tăng theo.

Tính bình quân, giá lợn hơi tăng khoảng 65% so với 2018, giá bán lẻ tăng khoảng 50%. Giá sản phẩm thay thế như gà, bò cũng chứng kiến xu hướng tăng (gà công nghiệp tăng 30%). Nhập khẩu thịt lợn năm 2019 tăng 90% so với 2018, tương tự nhập khẩu bò, gà cũng tăng mạnh, bò trâu tăng 48%, gia cầm cũng tăng 44%. Do nhu cầu lớn, giá thành sản xuất lại cao nên dù sản xuất thứ 5 thế giới, Việt Nam chỉ góp 45 triệu USD xuất khẩu thịt lợn trong khi quy mô thị trường này toàn cầu lên tới gần 28,5 tỷ USD.

Dự báo kịch bản cho cung – cầu thịt lợn

Theo đánh giá của IPSARD, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy trên 5,9 triệu con lợn với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng đàn lợn cả nước. Sự thiếu hụt nguồn cung khiến giá thịt lợn năm 2020 sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Các chuyên gia đưa ra các kịch bản về nguồn cung và giá lợn năm 2020.

Theo kịch bản cơ sở, nếu không tiếp tục xảy ra dịch, nguồn cung thịt lợn năm 2020 là 3,9 triệu tấn, Với kịch bản bản 1 (đàn nái bị thiệt hại 10%), nguồn cung thịt lợn sẽ giảm 20%. Còn theo kịch bản 2 (đàn nái bị thiệt hại 20%), nguồn cung thịt lợn giảm đến 35%.

Trước đó, theo dự báo của Bộ NN&PTNT, trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn năm 2020 sẽ đạt khoảng hơn 4 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo hai kịch bản này, nhập khẩu thịt lợn sẽ đều tăng mạnh. Theo kịch bản cơ sở, lượng thịt nhập khẩu năm nay là khoảng 5.500 tấn. Còn nếu kịch bản 1 xảy ra, lượng thịt lợn nhập khẩu sẽ tăng gần 30%, lên mức 7.100 tấn. Theo kịch bản 2, lượng thịt nhập khẩu sẽ tăng 60%, lên 8.900 tấn.

Về giá, nếu theo kịch bản cơ sở, giá thịt lợn hơi năm 2020 ở mức 46 nghìn đồng/kg lợn hơi. Tác động của dịch tả lợn châu phi theo hai kịch bản sẽ gây áp lực tăng giá cổng trại. Nếu các kịch bản dịch bệnh xảy ra, giá lợn hơi sẽ dao động từ 56-67 nghìn đồng/kg lợn hơi.

H.T
Nguồn: Báo Đầu Tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *