fbpx

Trọn bộ quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn

Trọn bộ quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn

Tổ hợp kỹ thuật tốt nhất để áp dụng vào xuất xuất cây giống chôm chôm được chọn ra từ đề tài “Nghiên cứu quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm và bưởi da xanh trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn”. Kết hợp với những kỹ thuật sản xuất của người dân, đề tài đã hoàn chỉnh được quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn như sau:

1. Quản lý chăm sóc gốc ghép

1.1. Lựa chọn hạt làm gốc ghép

Hạt dùng làm gốc ghép được lấy từ cây mẹ khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh. Ngâm hạt vào dung dịch Benlat C nồng độ 0,3%, trong thời gian từ 5 đến 10 phút sau đó đem ủ ngay.

Cách ủ hạt: Hạt được ủ trên giá thể hổn hợp mụn dừa trấu với tỷ lệ 7/3 vun thành luống có chiều rộng mặt liếp từ 0,8 – 1,2 m, chiều cao 0,4 m, chiều dài tùy thuộc vào số lượng hạt cần ươm, che mát bằng lưới giảm nhiệt (50% ánh sáng), thoáng gió và thoát nước tốt. Trải đều một lớp hạt lên luống sau đó phủ lên bằng một lớp mụn dừa (2500-3000 hạt/m2). Trong thời gian này luôn giữ đủ ẩm. Sau 2-3 tuần cây con lên cao khoảng 10-15 cm thì mang ra giâm ngoài nền đất đã chuẩn bị sẵn.

1.2. Xử lý đất trước khi gieo hạt

+ Đất làm vườn ươm hay đất dùng để đóng bầu cần được xới kỹ, làm sạch cỏ dại. Dùng 3 – 4 kg Clinoptilolite (Map Logic 90WP) cho 1000 m2 đất, trộn đều lên luống ở độ sâu 15-20 cm trước khi tiến hành cấy cây con để trừ tuyến trùng và sâu hại trong đất.

+ Đối với đất làm bầu cần đập nhỏ, rây kỹ và trộn thuốc với tỷ lệ 30-40 gram Clinoptilolite (Map Logic 90WP) trộn đều cho 1m3 giá thể trước khi đóng bầu.

1.3. Chăm sóc cây con

– Tưới nước:

+ Dùng vòi sen tưới ẩm ngay sau khi giâm cây. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm, chú ý không tưới vào buổi trưa lúc có nắng gắt.

+ Đối với cây được giâm trên bầu cần làm giàn che bằng lưới giảm nhiệt (lưới 50% ánh sáng), giữ lưới che trong khoảng từ 10-15 ngày, sau đó cho cây ra nắng dần dần, khoảng 20 ngày cuốn lưới lại cho tiếp cây ra nắng 100%. Chiều cao giàn từ 2,5 – 3 m.

* Lưu ý trong mùa khô cần theo dõi kiểm tra chất lượng nước tưới thường xuyên không tưới nước bị nhiễm mặn, ngưỡng mặn có thể tưới được < 0,5‰. Phương pháp tưới là tưới gốc, không phun trực tiếp lên lá.

– Bón phân

+ Sau khi cây hồi sức bắt đầu bón phân cho cây. Sử dụng phân hữu cơ kết hợp với NPK 16-16-8. Giai đoạn sau khi giâm từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 dùng NPK 30-10-10, từ tháng thứ 7 đến trước khi ghép bón NPK 15-15-15. Lượng bón tăng dần theo tuổi cây từ 0,5 – 2 kg/1000 cây. Thời gian bón 15 ngày bón 1 lần. Chú ý tưới đủ nước sau khi bón phân.

+ Mùa khô cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm giúp cho cây tích lũy đủ dinh dưỡng tăng cường sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nhiệt như hạn hán và xâm nhập mặn. Ở giai đoạn này sử dụng công thức bón phân như sau:

# Bón gốc: Phối trộn đạm nitrat, lân nung chảy, kali sulfat (công thức NPK 15-15-15). Phân hữu cơ có bổ sung nấm cộng sinh rễ (Rhyzomix, Rhyzoplex)

# Bón lá: Phun định kỳ 2 tuần 1 lần gồm: Ca(NO3)2 với liều lượng 5 g/lít nước, Silimax với liều lượng 2,5 ml/lít nước.

– Quản lý cỏ dại: Thường xuyên làm sạch cỏ dại, trong vườn ươm, không sử dụng thuốc diệt cỏ phun trong khu vực giâm cây con.

– Thường xuyên cắt tỉa cành, nhánh, chỉ để lại 1 thân chính.

1.4. Tiêu chuẩn cây gốc ghép

– Sau khi giâm từ 8 đến 9 tháng cây đạt tiêu chuẩn: chiều cao 60 – 70 cm; đường kính thân ở vị trí 20cm cách mặt đất khoảng 0,5 – 0,7 cm, cây khỏe mạnh, không sâu bệnh.

– Tiến hành ghép khi vườn cây có trên 70% số cây đạt tiêu chuẩn ghép.

1.5. Lựa chọn mắt ghép

– Mắt ghép được lấy trên cây mẹ có nguồn gốc từ cây đầu dòng hay vườn Cây cây đầu dòng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền công nhận.

– Chăm sóc cây mẹ: tăng cường chế độ dinh dưỡng cho cây mẹ trước khi khai thác mắt ghép, để tạo nên cành ghép khỏe mạnh.

– Chọn cành khỏe mạnh nằm ở ngoài tán, có tuổi từ 4 đến 5 tháng, nách lá có mầm ngủ nổi rõ, cành ghép có đường kính 0,5 đến 0,7cm. Khoanh vỏ cành trước khi cắt ghép 20-30 ngày tùy theo mùa (mùa mưa thời gian khoanh cành kéo dài hơn mùa nắng).

1.6. Bảo quản mắt ghép

Chọn ngày nắng ráo, cắt cành vào lúc trời mát, tránh ánh nắng gay gắt. Cành cắt đến đâu cắt lá đến đó, chỉ để lại phần gốc cuống lá. Sau khi cắt, cành ghép cần đem ghép ngay. Cành ghép thừa phải được bảo quản tốt trong bóng râm, cành được bó lại bằng vải thun đã thấm nước, tránh gió lùa làm khô cành.

1.7. Thời vụ ghép

– Chôm chôm có thể tiến hành ghép quanh năm, tuy nhiên mùa vụ ghép phù hợp nhất trong thời gian từ tháng 10-12 âm lịch, có điều kiện thời tiết thuận lợi và xuất vườn đúng vụ trồng.

– Ghép vào ngày nắng ráo, nếu trời quá nắng cần làm giàn che để ghép.

2. Chăm sóc cây sau ghép

2.1. Mở băng cho cây ghép

– Đối với cây nuôi trên nền: thời gian mở băng trong khoảng từ 45 – 50 ngày sau ghép, kiểm tra độ liên kết giữa mắt ghép với cây khi đạt độ kết dính tốt có thể mở băng ghép.

– Đối với cây lên bầu: kiểm tra độ kết dính của mắt ghép sau ghép 45 – 50 ngày, chọn cây kết dính tốt cắt ngọn bứng lên cho vào bầu ươm. Mở băng sau khi vô bầu từ 5 – 7 ngày.

2.2. Phối trộn giá thể cho bầu chôm chôm

Chôm chôm sau khi ghép được 45-60 ngày sẽ được bứng lên khỏi nền để chuyển sang giai đoạn nuôi trong bầu. Để nâng cao chất lượng cũng như tăng cường sức chống chịu của cây con trong điều kiện hạn mặn, việc bổ sung các chất cần thiết vào hỗn hợp giá thể vô cùng quan trọng.

Qua thí nghiệm hỗn hợp giá thể gồm mụn dừa, trấu, phân hữu cơ ủ hoai cấy chủng nấm cộng sinh rễ (7-2-1 + 1 kg Rhyzomix/1m3 giá thể) cho kết quả tốt nhất. Theo truyền thống, đa phần nông dân sử dụng mụn dừa và trấu phối trộn với nhau theo tỷ lệ 8-2 để vô bầu cây, do đó cây sẽ bị thiếu dưỡng chất cần thiết cho sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt.

2.3. Tưới nước

Chôm chôm rất cần nước, do vậy cần tưới nước đều mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng. Trong mùa khô cần chú ý kiểm tra độ mặn của nước tưới thường xuyên. Không tưới nước có độ mặn > 0,5‰.

Chú ý: nếu nước đã bị nhiễm mặn nhẹ trong giới hạn mà cần thiết phải tưới cho cây trồng thì cần lưu ý là tưới với lượng nước hạn chế, chỉ tưới ở gốc, không được tưới ướt lá. Thời điểm tưới là sáng sớm hay chiều mát. Trong phạm vi nghiên cứu cho thấy sau khi đã áp dụng tất cả các bước từ xử lý giá thể, bón phân và các chất điều hòa sinh trưởng thì mới hạn chế được tác hại của việc tưới nước có nồng độ mặn < 0,5‰

2.4. Bón phân

Sau khi ghép 40 – 45 ngày, khi mầm ghép có lá xoè rộng và chuyển sang màu xanh lục tiến hành bón phân.

– Bón gốc:

Kích thích bộ rễ: cần bón phân hữu cơ + nấm cộng sinh rễ (10 kg phân hữu cơ + 2 kg Rhizomix/1000 bầu), 30 ngày bón 1 lần.

Bón phân hóa học NPK có công thức 20-10-10 ở cơi thứ nhất và thứ 2; sang cơi đọt thứ 3 chuyển sang công thức 15-15-15. Cách bón: hòa 1 kg NPK với 100 lít nước, tưới đều trên mặt 1000 bầu vào chiều mát.

Chú ý: trong điều kiện hạn mặn cần chọn phân bón phù hợp để sử dụng. Qua kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy phối trộn phân đơn canxi nitrat, lân nung chảy và kali sulfat cho kết quả tốt.

– Bón lá: dùng canxi nitrat Ca(NO3)2, sillimax; Phun định kỳ 10 ngày 1 lần với liều lượng: Ca(NO3)2: 5 g/lít nước; Silimax: 2,5 ml/lít nước.

3. Phòng trừ sâu bệnh

Phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu ở các giai đoạn gốc ghép, sau ghép như sau:

3.1. Các loại sâu ăn lá

Nhận dạng: một số loài sâu ăn lá như sâu róm, sâu xanh, sâu kén…phá hại lá non làm cây sinh trưởng chậm, phân nhánh nhiều làm ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ cây đạt ghép.

Phòng trừ: Sử dụng Emamectin 0,36G liều lượng 1gr/1ít nước, lượng nước dùng 600 lít/ha.

Quy trình chăm sóc cây giống
Triệu chứng bệnh cháy lá chôm chôm

3.2. Bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum gloeosporioides)

Triệu chứng:

Bệnh có thể tấn công trên lá và trên trái. Ở trên các lá trưởng thành các đốm bệnh không có hình dạng nhất định màu nâu và sau đó lan rộng ra đường kính khoảng 1 cm. Trên bề mặt vết bệnh có thể thấy những ổ nấm nhỏ màu nâu nhạt đến đen. Trên trái, nấm bệnh có thể tấn công vào giai đoạn trái sắp chín. Tuy nhiên bệnh này không phổ biến trên chôm chôm.

Phòng trị:

Khi phát hiện bệnh có thể xử lý các loại thuốc hoá học để phòng trị bệnh như Bendazol 50WP 25-35 g/8 lít, Mancozeb 80%, liều dùng 40 g/8 lít.

3.3. Bệnh cháy lá (do nhiều loại nấm Pestalotia, Phomopsis… )

Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện trên các lá trưởng thành. Bệnh làm cho các lá già bị cháy, khô từ chóp lá lan dần vào trong, đôi khi cũng thấy vết bệnh bắt đầu từ hai bên mép lá lan dần vào trong. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể nhìn thấy những ổ nấm màu đen.

Bệnh cháy lá xuất hiện phổ biến vào mùa nắng, những vườn cây ít được chăm sóc thì thường bệnh nhiều hơn. Bệnh không làm rụng lá nên không gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây.

Phòng bệnh:

Nên tăng cường bón phân hữu ủ hoai cho vườn cây giúp cây phát triển tốt đồng thời tạo ẩm độ đất thích hợp cho cây phát triển khoẻ nên hạn chế được sự phát triển của bệnh.

Trong mùa nắng nóng nên tưới nước và che mát cây cũng hạn chế được bệnh cháy lá cho cây.

 

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách, Bến Tre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *