Mục tiêu chính của chiến lược phát triển ngành Thuỷ sản Việt Nam
Triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp Chiến lược đề ra. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện đối với từng lĩnh vực trong ngành thủy sản đến năm 2025, kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, xây dựng các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược đồng bộ, kịp thời và thống nhất giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ NN&PTNT với các Bộ, ngành trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước.
Giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thuỷ sản
Tăng cường đầu tư chuyên ngành thủy sản hiệu quả
- Ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện phát triển ngành thủy sản. Tăng cường thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách thực hiện đầu tư phát triển thủy sản. Triển khai xúc tiến đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển ngành thủy sản.
- Lựa chọn dự án đầu tư phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, thuộc các chương trình, đề án phát triển ngành thủy sản. Tăng cường công tác quản lý đầu tư chuyên ngành thủy sản hiệu quả.
- – Bố trí vốn tập trung, ưu tiên các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa trong vùng, khu vực; quản lý, xử dụng vốn đầu tư theo kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm đảm bảo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
- Quan tâm, bố trí nguồn lực cho công tác quản lý sau đầu tư; duy tu, bảo trì công trình đảm bảo yêu cầu sử dụng. Tổ chức sản xuất thủy sản
- Tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, dịch vụ vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản. Đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
- Tổ chức các mô hình sản xuất theo đặc thù từng lĩnh vực trên từng khu vực, từng vùng, miền. Phát triển các mô hình THT, HTX, đồng quản lý, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và người khai thác, NTTS. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn.
- Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng rộng rãi sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cấp mã số vùng nuôi, gắn với việc truy xuất nguồn gốc, điều kiện ATTP và thực hành NTTS tốt (GAP). Tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường trong NTTS.
- Liên kết với các ngành kinh tế khác đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các ngành kinh tế trong việc sử dụng tài nguyên, nguồn lực.
- Giảm số lượng tàu cá và sản lượng khai thác thủy sản để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Thành lập các THT, HTX khai thác thủy sản. Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và ngư dân. Tổ chức tốt thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai kịp thời cho ngư dân trên biển, bảo đảm an toàn đi biển, tổ chức ứng cứu kịp thời khi có rủi ro. Giao quyền quản lý, sử dụng vùng nước ven biển cho các tổ chức cộng đồng ngư dân thực hiện đồng quản lý, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản. Giảm tổn thất sau thu hoạch từ khai thác thủy sản.
- Tổ chức bảo tồn, khai thác nguồn lợi thủy sản và phát triển NTTS gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác trong quy hoạch không gian biển, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng vùng và địa phương. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ
- Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ số để nâng cao năng lực quản lý ngành và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thủy sản trong bảo quản, gia hóa, lựa chọn và phát triển giống; sản xuất, bảo quản, chế biến, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; áp dụng sản xuất thủy sản tiết kiệm nước, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng; quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường; điều tra, khảo sát, giám sát hoạt động sản xuất.
- Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Nâng cao năng lực chế biến thủy sản
- Đẩy mạnh quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản. Phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị cao. Đảm bảo chất lượng, ATTP và bảo vệ môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định trong nước và quốc tế.
Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến có chất lượng, sức cạnh tranh cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu; xây dựng được một số thương hiệu cho nhóm sản phẩm thủy sản Việt Nam như: Tôm nước lợ, cá da trơn, cá ngừ…
Cùng đó là các giải pháp về tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện Kế hoạch hành động này dựa trên cơ sở phát huy nội lực của các thành phần kinh tế, trong đó nguồn lực của các doanh nghiệp, người dân là chính. Cần tiến hành lồng ghép với các chương trình, dự án và đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, quản lý ngành thủy sản.
Nguồn: Hải Lý – Thuỷ sản Việt Nam